Dòng sự kiện:

Mẹ ăn cá nhiều trong thai kỳ dễ khiến con mắc bệnh béo phì

17:34 17/02/2016
Cá là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và không thể thiếu trong thai kỳ của mẹ. Tuy nhiên, dùng nhiều hơn 300g/ tuần là con số báo động.

Tin liên quan

Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí khoa học JAMA Pediatrics, những phụ nữ ăn nhiều cá khi mang thai sẽ cho ra đời những đứa trẻ có chỉ số cơ thể BMIs nặng hơn bình thường.

Nghiên cứu này được thực hiện trên quy mô hơn 26 nghìn phụ nữ sinh con trong thời điểm từ năm 1996 – 2011 tại 10 nước châu Âu và 1 thành phố ở Mỹ. Những phụ nữ này trả lời mọi câu hỏi về chế độ ăn của họ, cũng như lượng cá mà họ ăn trong thời kỳ mang thai. Các nhà khoa học cũng thu thập thông tin của họ về cân nặng trước khi mang thai, tuổi, thói quen hút thuốc, trình độ học vấn và cả việc có cho con bú hay không.

Theo nghiên cứu trên, những phụ nữ ăn cá ít nhất 3 lần/ tuần có nhiều hơn 22% khả năng sinh ra những đứa trẻ có tốc độ lớn nhanh trong vòng 2 năm đầu, và 22% khả năng có những đứa con bị quá cân hoặc béo phì trong vòng 6 năm sau khi sinh nở, so với những phụ nữ ăn cá ít hơn 3 lần/ tuần. Theo các nhà khoa học, chính một số chất độc hại tìm thấy trong cá, bao gồm chất thủy ngân, đã gây ra sự khác biệt này.

Ảnh minh họa.

Một số công trình từng chỉ ra thủy ngân trong cá dẫn đến tổn thương hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch cùng phổi, thận, da và mắt. Vì lý do này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc cùng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ khuyến cáo bà bầu không nên ăn quá 300 g cá một tuần.

Phát hiện trên cũng gây tranh cãi bởi đi ngược lại với quan niệm trước đây cho rằng omega 3 trong cá chống lại béo phì. Tiến sĩ Emily Oken, chuyên gia dinh dưỡng và y tế cộng đồng thuộc Đại học Havard (Mỹ) nhận định: "Ăn nhiều cá có thể là dấu hiệu của chứng ăn không kiểm soát và chúng ta đều biết rằng bà bầu tăng quá nhiều cân trong thai kỳ dễ sinh ra con béo phì".

Vì thế, để đảm bảo hấp thụ đủ omega3 và chất dinh dưỡng từ cá, người mẹ cần phải ăn có điều độ và biết lựa chọn loại cá phù hợp để ăn.

Thực tế, thủy ngân có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả trong không khí bạn đang hít thở mỗi ngày. Khi lắng đọng vào nước, thủy ngân tự động chuyển hóa thành methylmercury, được cá hấp thụ và gắn chặt vào từng tế bào trong cá. Vì vậy, dù đã chế biến thế nào, lượng thủy ngân này vẫn nằm nguyên trong thịt cá. Đặc biệt, cá càng lớn sẽ càng chứa nhiều thủy ngân. Theo các chuyên gia, các loại cá lớn sẽ có tuổi thọ lâu hơn, và lượng thức ăn chúng tiêu thụ mỗi ngày thường là các loại cá nhỏ, khiến nồng độ thủy ngân càng tích tụ nhiều hơn.

Theo khuyến cáo của viện Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ FDA, EPA năm 2004, để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bà bầu nên tránh xa 4 loại cá có hàm lượng thủy ngân “ngất ngưởng” là cá mập, cá kiếm, cá thu lớn và cá kình. Không dừng lại ở đó, một số chuyên gia và các tổ chức xã hội khác cũng lên tiếng cảnh báo về những tác động của cá ngừ, cá chẽm, cá hồng vàng, cá chim biển…

Cá hồi, cá chép, cá cơm, cá thu nhỏ, cá chích … là những loại cá bà bầu có thể thêm vào thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày của mình. Không nên ăn cá khi không rõ nguồn gốc hoặc không xác định được độ an toàn với sức khỏe.

Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam