Dòng sự kiện:

Mẹ chuẩn bị tâm lý thế nào về kỳ kinh đầu tiên của con

17:35 07/07/2015
Có rất nhiều bé gái vô cùng bối rối, thậm chí sợ hãi khi lần đầu tiên thấy máu. Vì thế mẹ nên đề cập với con về chủ đề này từ sớm, một cách từ từ để con tiếp nhận sự thay đổi về cơ thể mình rõ hơn.

 

 

 

Khi thấy máu ra quần Thảo hoảng hồn chạy vào trong nhà vệ sinh. Phải tới 30 phút mới thấy Thảo ra ngoài. Mặt nó nhăn nhó không biết có chuyện gì mẹ bèn hỏi. Sao hả con? Nó bối rối không biết diễn rả kiểu gì khiến mẹ lo lắng. Thấy con cứ túm lấy đũng quần, chị Liên gắt lên.  Lúc này Thảo mới lắp bắp: Mẹ…con…bị ra máu ở quần. Thấy con nói vậy chị Liên mới thở phào “chắc con bị hành kinh rồi”.

Trường hợp bé Thảo 13 tuổi bối rối khi lần đầu tiên thấy máu là tâm lý chung của đa số các bé gái đến tuổi dạy thì.

Thường các bé gái bắt đầu chu kì kinh nguyệt từ 12 tuổi nhưng trong một vài trường hợp, chu kỳ của các bé gái có thể đến sớm hơn hoặc lâu hơn ở tuổi thứ 9 đến 16. Đó là lý do các mẹ nên giúp bé tìm hiểu vấn đề tế nhị này sớm để bé không bị bỡ ngỡ và lo lắng.

Mẹ chuẩn bị tâm lý trước cho con về kỳ kinh nguyệt đầu tiên

Các mẹ cần cung cấp đầy đủ các kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt cho con gái để con không lúng túng khi gặp phải. Tuy nhiên, các mẹ không nên đề cập đến nhiều đau đớn, sự khó chịu và rắc rối với vấn kề này với con vì chúng có thể làm con sợ hãi, thiếu năng động và tự tin khi vận động. Thay vì vậy, mẹ nên hướng dẫn con cách đối phó với các vấn đề kinh nguyệt. Ví dụ, mẹ nên chỉ dạy con các cách đơn giản để giảm đau bụng kinh và ăn uống khoa học để đảm bảo sức khỏe, sự phát triển thể chất của con trong giai đoạn dậy thì.

Ngoài ra, các bé gái cũng cần hiểu rõ rằng chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng tự nhiên của cơ thể và không nên can thiệp để nó biến mất dù nó có thể làm các bé có mụn, đau thắt bụng và thay đổi cảm xúc trong lúc có kinh. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều, điều này liên quan trực tiếp đến các vấn đề về hoóc-môn, sức khỏe thể chất và sức khỏe sinh sản sau này của các bé gái.

Khi con lớn hơn, bạn có thể đi vào chi tiết, mô tả kinh nguyệt là gì, lần đầu tiên có kinh sẽ ra sao. Có thể tận dụng các video quảng cáo băng vệ sinh trên TV, hay lần đi cửa hàng mua băng vệ sinh cùng con để bắt đầu trò chuyện về kinh nguyệt.

Đừng quên các cậu con trai, chúng cũng cần biết về kinh nguyệt. Hãy nói chuyện với con trai giống như cách bạn nói chuyện với con gái về những biến đổi tâm lý đi kèm chu kỳ kinh nguyệt và các lý do sinh học đằng sau chu kỳ kinh. Điều này giúp các bạn trai hiểu được những gì diễn ra với các bạn gái hằng tháng.

Những điều bé gái muốn biết về kỳ kinh đầu tiên

Khi giai đoạn dậy thì tới gần, các bé gái thường hồi hộp vì sắp được trở thành người lớn, nhưng chúng cũng có thể rất lo lắng về kinh nguyệt. Sau đây là gợi ý cách trả lời cho một số vấn đề mà các bé gái thường quan tâm.

Làm sao con biết khi nào mình sắp bắt đầu có kinh?

Thường thì kinh nguyệt sẽ bắt đầu khoảng 2 năm sau khi ngực con bắt đầu phát triển và một năm sau khi có chất tiết màu trắng từ âm đạo. Đa số bé gái bắt đầu phát triển ngực khi 9-10 tuổi. Ngoài ra, sự xuất hiện của lông nách và lông mu cũng là những tín hiệu báo rằng con sắp có kinh, chúng thường xuất hiện 6 tháng trước kỳ kinh đầu tiên.

Con cần chuẩn bị những gì cho kỳ kinh đầu tiên?

Nên mang theo người băng vệ sinh để khi chuyện đó xảy ra, con không phải cuống quýt đi tìm chúng. Nếu sự cố xảy ra khi con đang ở trường và không có băng vệ sinh bên mình, hãy nói chuyện với cô giáo hay cô y tá của trường để được giúp đỡ. Trường hợp bí quá, con có thể dùng giấy vệ sinh đặt tạm vào trong quần lót.

Nhiều bé gái sợ bị hành kinh khi ở trường hay lúc đi chơi xa. Hãy giúp con chuẩn bị một túi nhỏ đựng vài miếng băng vệ sinh, một chiếc quần lót sạch. Nhắc con luôn giữ túi này khi đi học hay đi chơi. Túi vệ sinh là cách giúp con vượt lên nỗi sợ bị dính máu ra quần hay váy. Nói với con rằng nếu quần lót bị bẩn thì con có thể thay quần mới, bọc quần cũ trong giấy vệ sinh để mang về giặt. Khi gia đình đi chơi xa, bạn cũng có thể mang một túi như thế này bên mình để ứng cứu nếu con gái quên túi vệ sinh của mình.

Nhỡ máu chảy ra ngoài quần thì sao?

Trở thành phụ nữ là chặng đường dài đối mặt với nhiều rủi ro khó xử. Con có thể che những vết bẩn khi chưa thể thay đồ bằng cách buộc một chiếc áo khoác vòng quanh eo chẳng hạn. Con cũng có thể giữ một chiếc quần dự trữ ở ngăn tủ tại trường hay trong cặp sách, tránh mặc quần hoặc váy sáng màu khi có kinh.

Con có cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình không?

Việc lập lịch theo dõi hàng tháng có thể giúp con nắm được chu kỳ kinh nguyệt của mình và dự báo kỳ kinh tiếp theo. Đánh dấu X vào ngày đầu hành kinh và những ngày ra máu tiếp theo. Coi dấu X đầu tiên là ngày một, đếm tiếp đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo để biết chu kỳ của mình dài bao nhiêu.

Vào một ngày đẹp trời, nếu nghe con gái thông báo đã bắt đầu ra máu, bạn cần tuyệt đối giữ bình tĩnh. Dù cảm thấy ái ngại vì con mới học lớp 3 đã bắt đầu hành kinh, bề ngoài bạn vẫn nên giữ vẻ bình thản. Kể cả nếu bé là người đầu tiên trong số các bạn gái ở lớp bắt đầu có kinh nguyệt, hãy nói với con rằng cơ thể con biết rõ cần làm điều gì.

Đưa con đi khám bác sĩ nếu:

Vô kinh (không có kinh nguyệt): Bé gái dưới 16 tuổi chưa có kinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên cần đưa đi khám nếu con bắt đầu có kinh rồi ngừng lại trong hơn 3 tháng.

Ra quá nhiều máu: Máu ra quá nhiều, phải thay băng vệ sinh 1-2 giờ một lần, hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, trẻ thấy đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh.

Đau bụng dữ dội trong kỳ kinh, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau.

Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ dưới 21 ngày hoặc hơn 45 ngày.

Đức An (Tổng hợp)ĐSPL