Dòng sự kiện:

Mẹ ngực nhỏ "lo sốt vó" vì... thiếu sữa cho con bú?

14:00 03/11/2015
Các mẹ bầu cho rằng vòng ngực to hay nhỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa?
 

 

Bộ ngực của phụ nữ là bộ phận đặc biệt nhất trên cơ thể, không chỉ là biểu tượng của sự nữ tính, quyến rũ mà còn là nơi sản sinh ra dòng sữa mẹ quý giá. Mỗi người có kích cỡ vòng ngực khác nhau. Nhiều phụ nữ khi làm mẹ thường hay lo lắng vòng ngực to hoặc nhỏ sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ. Ngực to sẽ cho nhiều sữa hơn, ngực bé sẽ bị ít sữa. Tuy nhiên đây hoàn toàn là quan niệm sai lầm. Bộ ngực của phụ nữ được thiết kế hoàn hảo, dù có hình dạng và kích cỡ thế nào vẫn có thể hoàn thành tốt “nhiệm vụ” nuôi con bằng sữa mẹ.


Lầm tưởng khá phổ biến của các mẹ bầu khi cho rằng vòng ngực to hay nhỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa. Tuy nhiên, khả năng tiết sữa của mẹ phụ thuộc vào số lượng mô sữa có trong ngực chứ không phụ thuộc vào kích cỡ vòng ngực. Phụ nữ có ngực nhỏ nhưng vẫn có thể có nhiều mô sữa. Ngược lại, phụ nữ ngực to lại ít có các mô này, do bên trong phần lớn là các mô mỡ. Bộ ngực phụ nữ được thiết kế hoàn hảo, không một sai lệch. Vì thế mẹ nào cũng đủ sữa cho con bú, ít nhất trong 6 tháng đầu đời của bé. Rất hiếm có trường hợp phụ nữ có ít mô sữa.


Khả năng tiết sữa cũng phụ thuộc khá nhiều vào chế độ ăn uống và tâm lý của người mẹ. Dù có nhiều mô sữa, nhưng chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc bị trầm cảm sau sinh cũng không thể giúp mẹ có đủ sữa cho con bú. Bởi vậy thay vì lo lắng ngực nhỏ không có sữa nuôi con, hãy tự tin rằng mình đủ sữa cho con bú, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ.

Tuy kích cỡ vòng ngực không liên quan đến khả năng tiết sữa của mẹ nhưng nó lại ảnh hưởng đến khả năng trữ sữa. Khả năng trữ sữa ở các bà mẹ đều không giống nhau, ngay cả hai bên vú cũng khác nhau về vấn đề này.


Mẹ dù có khả năng trữ sữa nhiều hay ít đều có thể tiết sữa nhiều cho con bú, nhưng sức bú của mỗi bé khác nhau. Ví dụ, một em bé được bú sữa từ mẹ có khả năng trữ sữa nhiều, bé đó sẽ no lâu hơn. Ngược lại, mẹ có khả năng trữ sữa ít sẽ phải cho con bú thường xuyên hơn để đảm bảo nguồn sữa được sản xuất liên tục, đáp ứng nhu cầu của bé.

Trong hành trình mang thai, bộ ngực sẽ có những thay đổi để chuẩn bị cho thiên chức nuôi con bằng sữa mẹ sau khi bé chào đời. Nhiều mẹ bầu có thể nhận thấy nhiều sự thay đổi ở bầu ngực, núm vú. Khi mới thụ thai, ngực sẽ hơi nhạy cảm so với bình thường. Đây là dấu hiệu khả quan vì các hormone thai kỳ bắt đầu hoạt động, chuẩn bị cho sự nghiệp nuôi con bằng sữa mẹ sau này. Một số thay đổi mẹ có thể gặp như: Núm vú và quầng vú trở nên sẫm màu, quầng vú to hơn, các tuyến nhờn nổi rõ hơn, gân ngực nổi rõ hơn.


Lượng sữa tích trữ ở vú mẹ có đủ cho con bạn bú hay không? Điều này phụ thuộc vào từng trẻ. Lúc đầu vì chưa quen nên bạn có thể cảm thấy như mình đang phải cho trẻ bú không ngừng. Nhưng dần dần, bé của bạn sẽ hình thành nên một lịch trình bú và nguồn sữa của bạn sẽ điều chỉnh theo cho phù hợp. Mọi trẻ đều khác nhau, và chúng sẽ khác nhau từng ngày!
Trẻ sẽ hạnh phúc hơn nếu bạn ở gần bên và cho chúng bú bất cứ khi nào chúng đói. Nếu chúng tăng cân tốt, tiểu ướt và làm bẩn tã lót thường xuyên, và ngủ ngon lành giữa các bữa bú, thì bạn có thể khá chắc chắn rằng bé của bạn đã bú đủ sữa. Có thể cần mất một thời gian để cho cả bé và bạn tạo được thói quen về vấn đề cử bú. Nhưng nếu trong những ngày đầu bạn cảm thấy nguồn sữa của bạn không đáp ứng đủ cho bé, hãy nói chuyện với nữ hộ sinh.

Một vài ngày sau khi sinh, bộ ngực của bạn thường trở nên căng đầy và cương lên. Điều này do cơ thể bạn sản xuất ra một lượng sữa phong phú, và có sự tăng lưu lượng máu đến vùng này. Nếu em bé của bạn đang gặp khó khăn để ngậm bắt vú, bạn có thể dùng tay nặn ép một ít sữa sẽ làm mềm các quầng vú (vùng màu nâu xung quanh núm vú). Tắm nước ấm trong bồn hoặc vòi hoa sen trước khi cho bú có thể khai thông dòng sữa, đồng thời xoa bóp bầu vú trong lúc đang cho bú có thể giúp làm giảm một phần độ căng. Bạn cũng có thể chườm túi lạnh để làm dịu đi cảm giác căng ngực và giảm bớt sự khó chịu. Một số bằng chứng cho thấy, lá bắp cải ướp lạnh còn tươi có thể có hiệu quả. Nhưng cách tốt nhất để giảm bớt cảm giác sưng căng và đầy ngực là cho bé bú thường xuyên hơn – trong lúc chờ cơ thể của bạn tự điều chỉnh theo nhu cầu của bé.

 

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam