Dòng sự kiện:

Mẹo dân gian giúp trẻ không bị sốt khi mọc răng

19:41 13/07/2016
Dân gian có rất nhiều mẹo tự nhiên để giúp trẻ không bị sốt khi mọc răng, trong đó cách sử dụng lá hẹ được nhiều mẹ truyền tai nhau nhất. Ngoài ra cũng có thể dùng cách gặm chân gà hay cho bé ăn na/mãng cầu ta để không bị sốt khi mọc răng.

Về thực hư tác dụng của hẹ giúp bé không bị sốt khi mọc răng, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh- BV Y học cổ truyền Trung ương cho biết đây chỉ là phương pháp dân gian được các mẹ mách nhau.

Tới nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó là đúng. Dù vậy bác sĩ Minh cho biết thêm, theo Đông y, lá hẹ có tính ấm, có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn và có thể dùng trong trường hợp trẻ bị viêm lợi, đau nhức răng. 

Khi nào nên đắp lá hẹ cho bé?

Vài tuần trước khi chân răng trăng trắng xuất hiện, trẻ thường có thói quen bú tay, nghiến răng, nghiến lợi đau nướu, có chút sốt nhẹ, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường vào tháng thứ 3 hay tháng thứ 4. Lúc này các mẹ chú ý kỹ càng hơn, kiểm tra bằng cách rà nhẹ vào vùng nướu của trẻ sẽ nhận thấy vết cưng cứng. Đó là dấu hiệu bé đang trong giai đoạn mọc những chiếc răng sữa đầu đời.

Cách dùng lá hẹ để bé không sốt khi mọc răng

Lá hẹ tươi đem về rửa thật sạch, cắt nhuyễn rồi giã nhỏ, vắt nước cốt lá hẹ cho vào chén sạch.

Sau khi trẻ bú được khoảng 30 phút, mẹ rửa tay sạch, quấn gạc tiệt trùng vào đầu ngón tay trỏ. Lấy đầu ngón tay quấn gạc chấm vào chén nước cốt lá hẹ lâu một chút cho băng gạc thấm nước lá hẹ.

 

Mẹ nhẹ nhàng đưa ngón tay chấm nước hẹ vào miệng trẻ, bắt đầu rà sát vào vùng lợi trên, vùng lợi dưới của bé vài lần. 

Ngoài ra, mẹ có thể cắt lá hẹ ra cho vào chén rồi đổ nước nóng vào nhưng đừng làm chín lá, rồi đâm lá hẹ ra lọc lấy nước, dùng miếng gạc chấm nước hẹ rồi thoa đều nướu của con.

Theo kinh nghiệm dân gian thì mẹ sẽ dùng 9 lá cho bé gái và 7 lá cho bé trai, bắt đầu thoa cho bé từ lúc 3 tháng thì khi mọc răng bé sẽ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ít đi ngoài hơn bình thường.

Khi trẻ mọc răng thường sẽ bị sốt, đau nướu dẫn đến biếng ăn, biếng bú, sa sút, gầy gò. Vì vậy trong giai đoạn này, mẹ cần bổ sung các dưỡng chất đầy đủ cho bé. Tránh tạo cho trẻ thói quen thích ăn đồ ngọt, giúp răng khỏe mạnh và không bị viêm nhiễm do ăn của ngọt.

Ngoài lá hẹ thì nha đam hoặc cây dạ cầm cũng có thể giúp phòng tránh sốt khi trẻ đến tuổi mọc răng.

Bên cạnh đó, các mẹ cũng truyền tai nhau nhiều mẹo khác như gặm chân gà luộc hay ăn quả na/mãng cầu ta.


Với chiêu "gặm chân gà", các mẹ nên mua chân gà loại vừa, không to và tươi ngon rồi luộc khoảng 15 – 20 phút. Sau đó mẹ cầm chân gà đã luộc cho bé gặm chừng 15 phút, có thể gặm mỗi tuần 1 – 2 lần. Khi cho bé măm măm món này, mẹ phải là người cầm chân gà và kiểm tra kỹ xem có xương tróc ra hay không.

Với mẹo dùng quả na giúp bé không sốt khi mọc răng, khi cho bé ăn, mẹ nên chọn loại quả to, nở gai (chín cây càng tốt) và bóc ra thành múi nhỏ, lấy hết hạt. Vì bé chưa có răng nên mẹ chỉ cần cho con nếm vị ngọt là được.

Nguồn: Gia đình Việt Nam