Dòng sự kiện:

Ngàn mối lo của mẹ bầu khi trước ngày "vượt cạn"

23:28 22/07/2015
Trước khi sinh, nhất là những bà mẹ sinh lần đầu có trăm ngàn mối lo không tên.

Trước khi sinh, nhất là những bà mẹ sinh lần đầu có trăm ngàn mối lo không tên.

Lo đại tiện không kiểm soát
Nỗi lo này chỉ xuất hiện khi mẹ bầu nghe được chia sẻ của người đi trước. Điều này cũng bình thường thôi, phụ nữ Á Đông vốn kín đáo, tế nhị; nên chuyện có thể “phóng uế” lên bàn sinh ngay khi đang sinh nở có thể làm các mẹ cảm thấy ngại ngùng lo lắng. Thực ra mẹ có thể rất muốn đi ngoài, thậm chí là bậy cả ra hiện trường  nhưng đó là điều hết sức bình thường đối với sản khoa. Các bác sĩ đã quen với điều này lắm rồi, và đó là sinh lý bình thường của con người không có gì phải xấu hổ. Một điều có thể sẽ khiến mẹ đỡ lo lắng hơn, đó là trước khi vào phòng sinh mẹ sẽ được tháo thụt để xả hết mọi thứ trong đường ruột, nên sẽ hạn chế rất nhiều khả năng đại tiện trên bàn sinh.


Lo dây rốn quấn cổ em bé
Khoảng 1/3 các em bé chào đời với dây rốn quấn cổ. Bạn tin hay không nhưng trong hầu hết các trường hợp, đây không phải là vấn đề nghiêm trọng. Các bác sĩ và y tá đơn giản sẽ tháo dây rốn ra và giúp em bé chui ra ngoài. Các vấn đề về dây rốn sẽ chỉ thực sự nguy hiểm khi:

+ Dây rốn quá ngắn: nếu dây quá ngắn có thể bị căng quá mức hoặc co thắt lại, làm cắt đứt hoặc giảm sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi.

+ Dây rốn quá dài: những em bé có dây rốn quá dài thường có nguy cơ bị tràng hoa quấn cổ nhiều vòng cao hơn bình thường.

+ Sa dây rốn: sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra khi thai khoảng hơn 38 tuần. Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu ôxy.

+ Thắt nút dây rốn: lực chèn ép dây rốn sẽ gây ra tình trạng thiếu ôxy và dưỡng chất cho thai nhi. Số lượng vòng thắt nút có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa mạng sống của em bé.


Lo đau và bỏ lỡ giai đoạn dùng thuốc giảm đau
Một vài bà mẹ lo lắng rằng mình sẽ đến bệnh viện quá muộn để có thể áp dụng biện pháp sinh không đau. Nhưng thực sự chẳng có gì là muộn cả. Thực tế là hầu hết thường đến viện quá sớm. Mẹ nên cân nhắc đăng ký sử dụng dịch vụ này khi nhập viện để sinh, bởi vì nếu không đăng ký trước và đến giai đoạn cơn co tử cung gây đau đớn đến mức bạn hết sức chịu đựng thì các bác sĩ cũng không thể cho bạn dùng dịch vụ này nữa. Thường thì khi cổ tử cung mở 4 phân mẹ bầu sẽ được gây tê.

Lo lắng không biết khi nào mình trở dạ
Tin tốt lành là có vài dấu hiệu để biết bạn đã kết thúc thai kỳ. Vì thế, đừng lo lắng nếu bạn đã biết rõ những dấu hiệu cơ bản sau: ra máu báo, ra chất nhầy, đi ngoài lỏng, có cơn co, đau lưng. Bạn có thể thấy một hoặc vài dấu hiệu cùng lúc. Đó là lúc bạn sắp sinh.

Lo sợ đẻ

Những câu chuyện của người đi trước khiến bà bầu phải sợ hãi khi nằm lên bàn đẻ. Một số chỉ nghĩ tới cảnh không mặc quần áo, để bác sĩ nam thò tay vào kiểm tra đã nổi hết cả gai ốc.

Lo phải mổ

Thực tế có khoảng 1/3 số em bé sinh ra nhờ phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đều là đã xác định trước như các trường hợp ngôi mông, tràng hoa quấn cổ…

Hơn nữa, những khó khăn bà bầu gặp phải sau khi sinh mổ cũng khiến nhiều bà bầu lo lắng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý bà bầu sắp sinh.

Lo không đến bệnh viện kịp

Luôn sợ khi xuất hiện cơn đau đẻ thì sẽ không kịp tới viện. Vì vậy, không ít bà bầu lo lắng đã đến viện vài ngày trước ngày dự sinh.

 

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin