Dòng sự kiện:

Ngủ bù vào cuối tuần có tốt cho sức khoẻ: Câu trả lời bất ngờ từ các chuyên gia

Theo Gia đình mới
08:02 19/08/2018
Sau một tuần làm việc bận rộn, nhiều hôm phải thức khuya để hoàn thành cả núi công việc, bạn có thể muốn đi ngủ sớm vào tối Thứ Sáu và dậy muộn một chút vào 2 ngày cuối tuần. Nhưng đó có thực sự là cách làm tốt cho sức khỏe?

Ai cũng biết thời gian ngủ là khi ký ức của chúng ta được củng cố và bộ não được “làm sạch”. Não tự động phân loại những thông tin cần giữ và những gì cần loại bỏ từ dữ liệu khổng lồ chúng ta thu nạp ban ngày. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và có thể bỏ lỡ một số lợi ích nêu trên.

Tờ Daily Mail đã phỏng vấn 5 chuyên gia về quan điểm của họ liên quan đến việc nên hay không nên ngủ nhiều vào cuối tuần.

Chin Moi Chow, Chuyên gia về giấc ngủ: Nên ngủ bù

Chúng ta có thể ngủ bủ nhưng không thể có được chính xác số giờ ngủ đã thiếu hụt. Ngủ bù cần thiết bởi giấc ngủ là nhu cầu sinh học quan trọng.

Cơ thể chỉ có một cách để đối phó với tình trạng thiếu ngủ. Đó là tình trạng buồn ngủ, khi đó chúng ta không thể cưỡng lại giấc ngủ. Khi có cơ hội (ví dụ như ngày cuối tuần) cơ thể sẽ chìm vào giấc ngủ sâu hơn, với thời gian kéo dài hơn.

Đây là cơ hội để cơ thể phục hồi, tuy nhiên vẫn không thể phục hồi hoàn toàn nếu người đó đã bị mất ngủ mãn tính. Hậu quả của thiếu ngủ mãn tính rất nghiêm trọng, bao gồm giảm hiệu suất, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim - tử vong là hậu quả cuối cùng.

Leonie Kirszenblat, Nhà thần kinh học: Nên nhưng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn

Nếu bạn có một giấc ngủ đêm tồi tệ, bạn sẽ cảm thấy như cần ngủ nhiều hơn đêm hôm sau.

Điều này là do bộ não phát hiện chúng ta ngủ không đủ, và phát ra tín hiệu chúng ta nên ngủ nhiều hơn.

Mặc dù ngủ bù có thể giúp bù đắp thời gian ngủ bị hụt, nhưng nó chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Ví dụ, ngủ bù vào cuối tuần không có khả năng giúp bạn nhớ những điều bạn đã học trước đó trong tuần.

Giấc ngủ cũng giúp loại bỏ các protein độc hại liên quan đến rối loạn thoái hóa thần kinh. Đó là lý do tại sao ngủ đủ giấc giúp duy trì bộ não khỏe mạnh trong thời gian dài.

Siobhan Banks, Chuyên gia về giấc ngủ: Ngủ bù chỉ bù được những khoản “nợ” nhỏ

Kỷ lục thế giới về thời gian thức lâu nhất là 11 ngày, và người đàn ông đạt được kỷ lục này đã ngủ bù bằng cách ngủ 14 tiếng một lần.

Nhưng khả năng “bù” của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta đã mất ngủ kinh niên như thế nào. Nếu bạn đã tích lũy một khoản “nợ ngủ” trong một thời gian dài, sẽ rất khó để bù lại.

Nếu bạn mất ngủ mãn tính hoặc chất lượng giấc ngủ kém (ví dụ như mắc chứng ngưng thở khi ngủ), có thể cần rất nhiều ngày bù đắp để sau đó có thể cảm thấy tỉnh táo, khỏe mạnh khi thức dậy.

Gemma Paech, Chuyên gia về giấc ngủ: Có thời gian ngủ “tích trữ” trước tốt hơn ngủ bù

Mặc dù chúng ta có thể ngủ nhiều hơn vào cuối tuần để bù đắp, nhưng chúng ta không bao giờ có thể phục hồi sau khi mất ngủ nhiều ngày.

Thay vì ngủ bù, bạn có thể ngủ nhiều vào những ngày trước khi phải thức khuya, “để dành” sức lực là cách tốt hơn ngủ bù.

Melinda Jackson, Nhà tâm lý học: Không nên, vì ngủ bù làm rối loạn đồng hồ sinh học

Nếu như chúng ta cố gắng ngủ hơn vào ngày hôm sau để bù đắp cho tình trạng mất ngủ, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp điệu bình thường của cơ thể.

Ngủ - thức là một chu kỳ diễn ra trong vòng 24 giờ, nếu như chúng ta di chuyển chu kỳ thì đồng hồ sinh học sẽ cần được “reset” lại.

Ví dụ như: nếu chúng ta cố gắng thức nhiều trong tuần, sau đó bù đắp bằng cách ngủ nhiều vào cuối tuần, thì việc ngủ sớm vào tối Chủ Nhật cũng rất khó khăn. Tốt nhất là nên giữ một chế độ ngủ và thức giấc đều đặn, vì bộ não của chúng ta có cơ chế đền bù sẵn có cho việc mất ngủ và sẽ điều chỉnh cường độ của giấc ngủ tùy theo nhu cầu của chúng ta.

Nguồn: Gia đình Việt Nam