Những nguy cơ khó lường từ việc chậm cho trẻ tập ăn cơm
Khổ vì … “lạc đàn”
Lấy nhau 5 năm mới sinh được bé Bi nên cả nhà chị Hạnh (ở Hà Nội) chiều con “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Kể cả việc ăn, cả nhà cũng “làm hộ” bé. Từ lúc sinh ra đến nay, Bi chưa ăn món gì không nhuyễn, mọi thứ đều được nấu nhừ, xay mịn và Bi chỉ việc nuốt. Vậy nên, dù đã 3,5 tuổi, Bi vẫn chưa biết ăn cơm.
“Hồi bé, Bi hay bị trớ nên tôi thường phải xay nhuyễn cháo, thịt, rau, hoa quả rồi mới cho con ăn. Khi Bi được 2 tuổi, tôi cũng tập cho con ăn cơm nát nhưng con nhất định nhè ra, có khi còn nôn ọe. Mỗi lần cho con ăn là một "cuộc chiến". Trong khi tôi lại ở chung với bố mẹ chồng, hai ông bà không ưng, xót cháu khi thấy tôi “ép” con như thế. Vậy là tôi lại tiếp tục cho con ăn cháo với ý nghĩ: Thôi, con ăn gì cũng được, cốt là đủ chất. Sau này lớn, con chán cháo, tự khắc sẽ thích ăn cơm”, chị Hạnh nói.
Độ tuổi thích hợp cho việc rèn luyện để trẻ ăn cơm là 2 tuổi. Ảnh: TG
Tháng 6 vừa rồi, chị Hạnh đăng ký cho con đi học trường mẫu giáo tư thục. Lúc này, chị mới té ngửa khi biết ở lớp con với độ tuổi này, các cô chỉ cho ăn cơm chứ không ăn cháo nữa. Vì thế, trong khi các bạn khác ngồi xúc cơm ngon lành thì Bi nhai trệu trạo, “đánh vật” với vài miếng cơm rồi lại nôn ra, khóc lóc. Sau đó, Bi nhất định không chịu đi học. Thế là chị Hạnh đành phải đề nghị cô giáo cho Bi được ăn cháo một thời gian và nhờ cô rèn cho Bi tập ăn cơm.
Cùng cảnh con không biết nhai cơm và sợ con khó hòa đồng khi đi học như chị Hạnh là chị Thảo Hoa (ở Nghĩa Tân, Hà Nội). Chị kể, 8 tháng tuổi, Bống - con gái chị - đã mọc 8 cái răng. 18 tháng tuổi, Bống gần như đủ hết răng sữa nhưng rất lười nhai. Chị Hoa cũng chia sẻ, vì bận công việc nên mọi việc cho con ăn uống đều do người giúp việc đảm nhiệm. Để thuận tiện, mỗi ngày, chị Hoa thường nấu sẵn một nồi cháo trắng, hoặc hầm nước xương sẵn trong tủ lạnh, rồi chuẩn bị các loại thức ăn như tôm, cá, thịt, rau củ băm nhuyễn... Trước mỗi bữa, người giúp việc chỉ cần trộn thức ăn vào cháo, hoặc lấy cháo trắng cho vào nước hầm xương rồi đun nóng lên cho Bống. Hầu như bữa ăn nào cũng rất nhanh, Bống chỉ há miệng và nuốt chửng. Ba tuổi nhưng trông Bống còi dí như đứa trẻ hơn 2 tuổi. Đưa Bống đi khám dinh dưỡng, chị Hoa được các bác sĩ cảnh báo khi biết chuyện chị hầm nước xương để tủ lạnh nấu cháo cho con ăn dần và không cho con ăn cơm.
Chị Hoa kể, mọi chuyện còn “khủng hoảng” hơn đến khi Bống đi học mẫu giáo. Với độ tuổi của Bống, không cô giáo nào chịu nổi cách ăn phải đút từng thìa cháo như thế. Hôm nào đi học về, Bống cũng khóc và đã còi lại càng còi hơn. Lúc này, chị Hoa mới hốt hoảng và quyết tâm rèn cho Bống ăn cơm. Và theo lời của chị thì: “Hôm nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau”.
Không biết nhai, răng dễ bị bệnh
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ không chịu nhai, không chịu ăn cơm là do người lớn chỉ cho bé ăn đồ xay nhuyễn từ bé, vì vậy bé có thói quen là cho đồ xay thì nuốt chửng, đồ cứng thì nhả bã.
Đồng quan điểm này, BS Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, từ 1 tuổi, khi trẻ đã mọc 6 - 8 răng, người lớn nên tập cho trẻ phản xạ nhai đồ mềm. Khi 19 tháng tuổi, trẻ đã mọc được khoảng 16 răng sữa và phải được tập ăn cơm nhão tán nhuyễn. Sau 2 tuổi, trẻ có khoảng 20 răng, có thể ăn cơm từ nhão đến khô dần. Như vậy, độ tuổi thích hợp để trẻ ăn cơm là 2 tuổi. Trong độ tuổi 18 - 24 tháng, trẻ có thể ăn 3 bữa chính mỗi ngày với cơm nát và cháo đặc. Nếu để sau tuổi này, thậm chí 3 - 4 tuổi mà trẻ vẫn chưa biết ăn cơm, chỉ ăn cháo hoặc đồ xay thì đã quá muộn cho việc rèn ăn cơm. Thậm chí, có nhiều hậu quả cho sự phát triển răng miệng của trẻ.
Theo ThS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng trẻ đã lớn vẫn chưa biết ăn cơm rất phổ biến, nhất là ở thành thị. Người lớn cần phải tập cho trẻ ăn thức ăn cần nhai dần theo phương pháp từ ít tới nhiều, từ loãng tới đặc. Đặc biệt, theo ThS Lê Thị Hải, cần hạn chế sử dụng máy xay sinh tố để làm đồ ăn cho trẻ. Nếu trẻ đã lớn, chỉ ăn cháo, đồ xay nhuyễn thay vì nhai cơm hoặc nhai các thức ăn khác, sẽ ảnh hưởng đến việc nhai. Nếu lâu ngày trẻ không quen nhai thì cơ hàm sẽ yếu, không phát triển, cung hàm sẽ hẹp, ảnh hưởng đến mọc răng sau này. Ngoài ra, nếu chỉ ăn mãi loại thực phẩm xay nhuyễn, trẻ sẽ rất dễ biếng ăn bởi cho dù cha mẹ cố gắng thay đổi thành phần, món ăn vẫn có hương vị na ná nhau. Do đó, theo ThS Lê Thị Hải, những trẻ chậm ăn cơm mặc dù tiếp nhận thành phần thực phẩm đa dạng vẫn dễ bị còi cọc, suy dinh dưỡng vì lười ăn. Hơn nữa, với chế độ ăn như vậy sẽ khó hòa nhập với các bạn lúc đi học. Vì thế, người lớn phải kiên trì tập cho bé ăn những thức ăn cần phải nhai. Lưu ý không nên dùng máy xay nữa; thịt, rau… chỉ nên cắt hoặc băm nhỏ.
Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là thường tán cơm thật nhuyễn rồi chan nước canh vào cho con ăn. Cách này khiến trẻ rất dễ ngán và không khuyến khích được cử động nhai. Hoặc một sai lầm khác của người lớn là quan niệm: “Cứ cho ăn cháo, trẻ lớn lên khắc biết nhai cơm”. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, việc tập nhai cơm, nhai thức ăn là một thói quen có thể rèn luyện được. Nhưng nếu không rèn luyện cho trẻ thì cha mẹ không thể hi vọng con tự biết nhai cơm được. Với những trẻ không muốn, không có cách nào khác là cha mẹ phải thật kiên trì, tập dần dần.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, cần kiên trì dỗ trẻ ăn một ít cơm trước rồi mới cho trẻ ăn món trẻ thích sau để duy trì thói quen ăn cơm. Bữa ăn chính của trẻ nên trong khoảng thời gian 30 - 40 phút. Theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ, ban đầu, nên cho bé ăn cơm nát. Khi bé còn đói, cho ăn một ít cơm, cùng với thức ăn cắt nhỏ. Chọn những món bé thích, để trong bát đĩa đẹp hình thù ngộ nghĩnh, cho bé tự xúc ăn cùng cả nhà. Lúc nào bé chán, không nên ép mà để bé ăn tiếp loại thức ăn bé thích. Dần dần mỗi ngày tăng lượng cơm lên một chút. Bữa cơm của bé cần đầy đủ chất dinh dưỡng. |
Theo Gia đình & Xã hội
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua