Dòng sự kiện:

Những sai lầm của mẹ khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy mùa hè

16:08 19/07/2016
Tiêu chảy là căn bệnh thường hay mắc phải nhất ở trẻ khi hè đến, tuy nhiên vì thiếu kiến thức nhiều phụ huynh đã để con quá nặng mới cho đi viện.

Tiêu chảy là bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em nhỏ, nhất là vào mùa hè. Trẻ bị tiêu chảy có thể gây tử vong do tình trạng mất nước và mất muối, và là nguy cơ gây suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Con nhập viện vì sai lầm của mẹ

Điển hình là trường hợp của chị Hoàng Thanh Thủy (Thanh Oai – Hà Nội), có con là cháu Lê Thành Vinh, gần 1 tuổi. Khi cháy có dấu hiệu hơi sốt và kèm theo triệu chứng tiêu chảy, nghĩ rằng cháu bị tướt mọc rằng nên gia đình không đưa đi thăm khám.

“Những lần trước cháu mọc răng cũng đều bị đi tướt như vậy, tôi chỉ chăm sóc và cho uống lước lá cây là cháu hết luôn, lần này không ngờ lại nặng thế”, chị Thủy chia sẻ.

Theo chị Thủy, khi cháu bị tiêu chảy, chị đã lấy búp lá ổi non hấp cơm, sau đó nghiền nát lấy nước cho cháu uống, chưa cầm được tiêu chảy, cháu lại bị sốt nên chị lấy lá ra dấp cá cho uống để hạ sốt. Không ngờ sốt chẳng khỏi, tiêu chảy ngày càng nặng thêm và phải nhập viện cấp cứu vì quá nặng.

Trẻ rất hay mắc bệnh tiêu chảy vào mùa hè. 

Đó không phải là trường hợp duy nhất, gia đình anh An cũng đứng ngồi không yên khi hàng ngày phải cắt cử người túc trực ở bệnh viện. Theo anh An, do gia đình neo người, sáng ra vợ anh tranh thủ dậy sớm làm đồ ăn cả ngày cho con, để chiều đón con ở trường về là có đồ ăn luôn, đỡ phải mất công chuẩn bị.

Trước thì không sao, nhưng mấy hôm nắng nóng khi để đồ ăn ở ngăn mát, bị vi khuẩn xâm nhập, cháu ăn lúc 6 giờ tối, thì 9 giờ bị tiêu chảy dữ dội, dùng đủ mọi cách không cầm được, gia đình phải đưa cháu vào bệnh viện ngay trong đêm.

Chú ý đồ ăn trong tủ lạnh

Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, trường hợp trẻ bị tiêu chảy do những sai lầm của bố mẹ không phải là hiếm. Đặc biệt là những trường hợp để đồ ăn trong tủ lạnh, vì mùa hè thời tiết nóng, vi khuẩn rất dễ xâm nhập.

BS Thường khuyến cáo, tốt nhất nên cho trẻ ăn những đồ ăn mua về còn tươi sống, không nên bảo quan trong tủ lạnh và khi chế biến cần phải nấu kỹ để phòng tránh bệnh tiêu chảy.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà (Trưởng khoa Tiêu hóa-Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tiêu chảy là một bệnh rất phổ biến ở trẻ, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cũng có thể là hậu quả của chế độ ăn không đúng cách như thay đổi thức ăn cho trẻ đột ngột, cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu hóa, ăn quá nhiều… hay do tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phổi….

Cũng theo bác sĩ Hà, không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng cần mang trẻ tới bệnh viện. Với những bé mất nước ở mức độ nhẹ (trẻ tỉnh táo, uống nước bình thường, không bị nôn trớ nhiều, khóc có nhiều nước mắt, miệng lưỡi trẻ ướt, cháu đi tiểu nhiều) gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà, dự phòng mất nước bằng cách bù lượng nước tương đương với lượng nước trẻ mất trong phân sau mỗi lần đi ngoài.

Phòng suy dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ bằng cách tích cực cho trẻ ăn chế độ ăn như khi trẻ bình thường, không kiêng khem và không nên thay đổi thành phần thức ăn của trẻ.

Kiêng khem quá mức sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu năng lượng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, không đủ năng lượng để chống đỡ với nhiễm trùng trong cơ thể cũng như chậm hồi phục tổ chức ruột bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy kéo dài khiến các bé bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển. Các gia đình chỉ cần tạm ngưng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có ga và thức ăn quá ngọt…

Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khuyến cáo, các gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay khi con có một trong những biểu hiện sau: Đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); Nôn tái diễn, nôn nhiều làm trẻ không ăn uống được; Bệnh trẻ nặng hơn, có sốt hoặc sốt cao hơn; Trẻ rất khát nước; Ăn uống kém hoặc bỏ bú; Trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.

Khánh Ngọc

Theo Gia đình Việt Nam