Dòng sự kiện:

Những vấn đề thường ở trẻ sơ sinh không phải ai cũng biết

21:00 15/09/2015
Những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng nhiều bố mẹ "đứng ngồi không yên" vì tưởng rằng bé đang bắt ổn. Tuy nhiên, đây là hiện tượng hết sức bình thường mà không phải bố mẹ nào cũng biết.
 

 

Bị thương trong lúc sinh

Bé sơ sinh bị thương trong lúc đang chào đời cũng là một khả năng có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những ca sinh kéo dài, sinh khó hay con to. Thông thường, bé sẽ mau chóng phục hồi. Tuy nhiên, một số trường hợp vết thương sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài. Một trong những chấn thương thường gặp nhất là gãy xương đòn. Chấn thương này sẽ lành sau khoảng vài tuần khi được chăm sóc đúng cách. Yếu cơ là một tổn thương thường gặp khác.

Hay quấy khóc


Hệ thần kinh của trẻ sơ sinh chưa ổn định khiến trẻ rất dễ giật mình nên hay khóc. Ngoài ra, khóc cũng là cách duy nhất để trẻ bày tỏ các nhu cầu đơn giản của mình như đói, khát, … Cho dù nhiều mẹ rất cuống khi thấy con khóc, vì nhiều trẻ khóc trông rất vật vã, đỏ hết cả người, nhưng thật ra khóc không tổn hại gì cho con cả.

Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, khóc còn là một vận động giúp trẻ rèn luyện hô hấp nữa. Trẻ mới sinh ra, kỹ năng hô hấp vẫn chưa hoàn thiện như người lớn nên khóc là một vận động làm tăng cường các cơ giúp trẻ hô hấp, đồng thời còn giúp cho phổi được mở rộng. Ngoài ra việc khi trẻ khóc sẽ cử động đập tay đập chân còn là vận động giúp trẻ tăng nhiệt độ cơ thể, và tự bản thân điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình nữa đấy (vì giai đoạn sơ sinh này nhiệt độ cơ thể của trẻ vẫn chưa ổn)

Đa phần các mẹ khi nghe con khóc chỉ chừng vài giây là bế con lên ôm ấp và cho con bú. Nhưng các mẹ lại không ngờ chính việc ôm trẻ có thể sẽ trở thành rào cản vô tình cản trở việc trẻ luyện tập cho cơ thể mình phát triển, đôi khi còn khiến trẻ mệt mỏi hơn. Đồng thời việc khi trẻ khóc là bế và cho bú luôn cũng có thể là một nguyên nhân khiến trẻ hình thành thói quen không tốt là phải bế hoặc phải cho bú mới ngủ, ...

Ngoài ra, trẻ trong 3 tháng đầu hay khóc là do bỉm ướt gây khó chịu, quần áo của con bị dầy, thô ráp gây ngứa và xót làn da mỏng manh của trẻ, hay nằm mãi một tư thế hơn 1 tiếng trẻ sẽ khó chịu.

Đầy bụng


Thông thường, bụng bé thường hay phình to sau mỗi lần bú no. Tuy vậy, giữa mỗi cữ bú, bụng bé khá mềm. Nếu bạn quan sát thấy bụng con hơi trương lên và cứng, đồng thời bé đã không đi tiêu vài ngày hay đang nôn trớ nhiều, hãy gọi bác sĩ. Đây có thể là triệu chứng của đầy hơi hay táo bón, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một căn bệnh đường ruột nào đó.

Da xanh xám

Khi mới vừa ra khỏi bụng mẹ, da bé xanh xám cũng không phải là vấn đề đáng ngại. Chỉ khi làn da ở trong tình trạng xanh xám kéo dài đi cùng với khó thở và khó bú, mẹ nên lường trước vấn đề có thể đến từ tim hoặc phổi. Bé cần được can thiệp ngay mẹ nhé.

Bé bị ho

Nếu bé uống quá nhanh hay thử uống nước lần đầu, ho là chuyện không tránh khỏi. Nhưng những cơn ho kiểu này sẽ chấm dứt khi bé điều chỉnh được bản thân với thói quen ăn uống. Vấn đề ho kéo dài có thể là do sữa mẹ về quá nhiều. Nếu bé thường xuyên bị sặc sữa hay ho thì mẹ nên tìm sự tư vấn y khoa. Có thể phổi và hệ tiêu hóa của bé đang gặp vấn đề.

Lác sữa và rôm sảy


Một số hormone thai kỳ của mẹ vẫn còn trong cơ thể của trẻ sơ sinh nên bé có thể bị nổi mụn trong vài ba tháng đầu và sẽ tự hết sau đó. Do đó, mẹ không nên tùy tiện bôi thuốc để tránh làm tình trạng mụn từ vô hại trở nên nguy hại. Tốt nhất mẹ chỉ nên dùng dầu dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh và thoa đều lên da bé từ 1-2 lần trong ngày. 

Vấn đề do forceps

Forceps là dụng cụ hỗ trợ đưa bé ra ngoài trong trường hợp có trục trặc bất ngờ trong ca sinh thường. Bác sĩ sẽ sử dụng kẹp forceps chèn hai bên đầu bé và khi mẹ rặn, họ có thể dễ dàng kéo bé ra ngoài. Kẹp forceps có thể gây ra một số vết thương tạm thời cho bé như bầm tím, trầy xước… Tuy nhiên, những dấu vết của ca sinh với forceps sẽ mau chóng biến mất sau vài ngày. Rất ít trường hợp xảy ra nguy hiểm do forceps.

Vàng da

Bé sơ sinh nào cũng có thể mắc phải tình trạng vàng da. Tuy nhiên, đa phần đó là vàng da sinh lý. Khi lượng bilirubin trong máu được đào thải hết, bé sẽ không còn bị vàng da nữa. Tuy nhiên,trong một số trường hợp, lượng bilirubin cao có thể gây nguy hiểm cho bé. Các bé bị vàng da thường được điều trị bằng cách chiếu đèn.

Lờ đờ và buồn ngủ


Nếu bé tỏ ra thờ ơ, không hứng thú với việc bú mẹ, không tự thức dậy đòi bú, tỏ ra mệt mỏi thì mẹ nên đặc biệt lưu ý theo dõi. Nếu tình hình không được cải thiện, nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe ngay mẹ nhé.

Vấn đề về hô hấp

Trong vòng một vài giờ sau khi sinh, bé yêu sẽ học cách hít thở không khí. Ban đầu có vẻ hơi khó khăn một chút nhưng bé sẽ làm quen rất nhanh. Nếu con thở một cách bất thường, đó có thể là do có dị vật trong đường thở. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm thở nhanh, ngực rút, mũi phập phồng, thở khò khè, khụt khịt, da xanh tái.

Khó ngủ
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều giấc ngủ ngắn và không sâu. Bé bú mẹ hoàn toàn sẽ ngủ giấc ngắn hơn bé bú bình vì mau đói hơn. Nếu bé ngủ ít nhưng vẫn bú bình thường, lên cân tốt, vui vẻ không quấy khóc thì không sao.

Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng, thường trẻ trong 3 tháng đầu sẽ ngủ từ 17 - 20 tiếng để đảm bảo cho sự phát triển giai đoạn này. Nếu trẻ khó ngủ kèm theo hay quấy khóc cũng không có vấn đề gì, đến 50% trẻ sơ sinh là hay như vậy. 
Chừng nào kèm theo cả biểu hiện như: Hay lăn lộn, trăn trở khi ngủ, đổ nhiều mồ hôi, rụng tóc, thì đích thị là do trẻ thiếu Vitamin D. Chính là nguyên nhân khiến trẻ bị còi xương.

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin