Dòng sự kiện:

Nước tiểu "mách" mẹ bầu về sức khỏe của thai nhi

15:58 09/10/2015
Bác sĩ sẽ kiểm tra định kỳ lượng đường và đạm nhưng cũng có thể kiểm tra các yếu tố khác trong nước tiểu nếu cảm thấy nghi ngờ.
 

 

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp xét nghiệm phổ biến và cần thiết khi mang thai. Với những phương pháp xét nghiệm như thế sẽ giúp các bác sỹ chuyên khoa sớm phát hiện tình trạng bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có xảy ra ở một số chị em hay không mà sớm có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Bài viết chia sẻ kiến thức mang thai kì này sẽ giúp các chị em hiểu rõ hơn về quy trình làm xét nghiệm nước tiểu khi mang thai.

Tại sao phải xét nghiệm nước tiểu khi mang thai?

Bác sĩ sẽ kiểm tra định kỳ lượng đường và đạm nhưng cũng có thể kiểm tra các yếu tố khác nếu cảm thấy nghi ngờ.


Lượng đường trong nước tiểu

Nếu phát hiện lượng đường tăng cao trong vài lần kiểm tra liên tiếp hoặc lượng đường rất cao trong một lần kiểm tra bất kỳ, có thể bạn đang bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm glucose để xác định. Dù kết quả xét nghiệm nước tiểu bình thường, bạn vẫn phải làm xét nghiệm glucose trong khoảng tuần thứ 24 và 28 vì tiểu đường thai kỳ là tình trạng tương đối thường gặp.

Chất đạm có thể báo hiệu rố loạn

Nhiều chất đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, tổn thương thận hoặc một số rối loạn khác. Ở các giai đoạn sau của thai kỳ, đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật nếu dấu hiệu đi kèm là tăng huyết áp. Nếu có chất đạm trong nước tiểu nhưng huyết áp bình thường, mẫu nước tiểu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy vi khuẩn và xác định xem bạn có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.

Ketone cao báo hiệu tiểu đường


Ketone được sinh ra khi cơ thể bắt đầu phân giải chất béo được tích trữ hoặc tiêu hóa để tạo năng lượng. Điều này xảy ra khi bạn không có đủ carbohydrate, nguồn cung cấp năng lượng bình thường của cơ thể. Nếu bạn cảm thấy rất buồn nôn và nôn mửa hoặc sụt cân, bác sĩ có thể kiểm tra ketone trong nước tiểu. Nếu chỉ số ketone cao và không thể nuốt bất kỳ loại thức ăn hay dung dịch nào, bạn có thể phải truyền dịch và điều trị. Nếu có cả ketone lẫn đường trong nước tiểu, có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

Tế bào máu hoặc vi khuẩn

Nếu bạn có các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, nước tiểu của bạn sẽ được phân tích để tìm một số enzyme (do bạch cầu tạo ra) hoặc nitrite (do một số vi khuẩn tạo ra) vì hai yếu tố này đều là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu phát hiện một trong hai yếu tố này khi kiểm tra bằng que thử, mẫu nước tiểu sẽ được gửi lên phòng thí nghiệm để nuôi cấy vi khuẩn và thử nghiệm độ nhạy cảm. Quá trình nuôi cấy sẽ cho biết liệu bạn có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Ngoài ra, bạn còn được thử nghiệm độ nhạy cảm giúp xác định loại kháng sinh nào hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn.

Khi khám thai lần đầu, mẫu nước tiểu của bạn sẽ được kiểm tra để tìm vi khuẩn cho dù bạn có hay không có triệu chứng nào. Phát hiện và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu rất quan trọng khi đang mang thai. Bạn có thể bị nhiễm trùng dù không có triệu chứng nào được thể hiện. Nếu xét nghiệm đầu tiên này cho kết quả âm tính, xác suất bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ sẽ thấp.

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là?


Nhiều bà bầu còn khá lạ lẫm với điều này, hãy đọc để có hành trang tốt nhất khi kiểm ta sức khỏe định kỳ nhé. Mỗi lần đi khám thai bạn sẽ được phát một cốc lấy mẫu nước tiểu và một khăn lau tiệt trùng rồi được hướng dẫn vào phòng vệ sinh để lấy mẫu.

Hãy rửa tay thật sạch. Sau đó dùng ngón tay để tách môi âm hộ và lau âm hộ từ trước ra sau bằng khăn lau tiệt trùng. Tiểu trong một vài giây vào bồn cầu rồi đặt cốc vào giữa dòng nước cho đến khi lấy đủ mẫu. Nhớ đừng chạm vào thành trong của cốc. Y tá hoặc hộ lý sẽ kiểm tra mẫu nước tiểu bằng cách nhúng một que thử đổi màu rồi so sánh kết quả với một bảng đối chiếu. Kết quả sẽ được ghi vào phiếu khám sức khỏe để bác sĩ hoặc hộ sinh tham khảo.

 [mecloud]oV6WoUjcgY[/mecloud]

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam