Dòng sự kiện:

Phụ huynh Việt thích điểm 10: Đi học hay nuôi lòng tham?

Theo Đất Việt
09:14 13/10/2017
Nếu học chỉ để lấy điểm 10, học để thăng quan tiến chức thì không cần giáo dục mà chỉ cần lòng tham của con người là đủ.

Cha mẹ thất bại, con phải làm lại

Hoàn toàn không bất ngờ, không ngạc nhiên về hiện tượng cha mẹ học sinh Việt Nam chỉ thích con được điểm 10, GS Hà Tôn Vinh nói rằng căn nguyên của hiện tượng trên là do cả xã hội đang chạy theo căn bệnh thành tích.

Do chạy theo thành tích mà cha mẹ học sinh tự đặt ra áp lực với con cái mình, không chỉ việc phải đạt được điểm cao mà còn phải đạt được đúng điểm mà cha mẹ mong muốn. Khi cha mẹ muốn con được điểm 10 thì, 8 điểm cũng không được, 9 điểm cũng không được, điểm đó bắt buộc phải là điểm 10.

Vị GS cho rằng, đây không phải là tư duy đáng để tự hào mà cần phải nhìn nhận nó như một hiện tượng rất đáng lo ngại.

Yêu cầu của các nước phát triển đối với học sinh của họ không dựa trên những đánh giá về điểm số mà họ dựa trên những công trình học sinh đó làm được, dựa trên những tình huống học sinh đó đã giải quyết...

"Để tồn tại và sống tốt trong cuộc sống không phải cứ điểm cao, học giỏi nhiều thành tích thì sẽ thành công. Học phải đi đôi với hành, ngoài việc học chữ, học kiến thức học sinh còn cần được học kỹ năng sống, học được cách xử lý công việc, làm chủ được tình huống", ông Vinh nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, đáng tiếc, tâm lý chạy đua điểm số vẫn tồn tại và nó ngày càng trở lên căng thẳng, nặng nề hơn.

GS Hà Tôn Vinh đặc biệt lo ngại cho nhóm phụ huynh của khối cấp I, cấp II, cấp III, rồi đến đại học, thậm chí ngay cả khi đã đi làm.

Ông cho biết, ông đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện cha mẹ không đi học được bác sĩ, không làm được kỹ sư thì đã bắt con phải chọn những ngành, nghề đó. Tức là khi cha mẹ thất bại với giấc mơ của mình thì giờ họ bắt con cái phải nối tiếp cái giấc mơ đó, phải thực hiện giấc mơ đó.

Rất nhiều phụ huynh đã làm như vậy. Họ bất chấp, không cần biết con cái mình có thích hay không, hay chúng phải đau khổ thế nào nếu không được thi vào nhạc họa, không được làm giáo viên... hoặc những ngành nghề, lĩnh vực chúng đam mê.

Tuy nhiên, cũng đã có một số sinh viên tự đưa ra được quyết định của mình.

Còn đối với nhóm học sinh cả ba khối văn hóa, vị GS cho biết, ở các cấp học này học sinh gần như không có được quyền lựa chọn mà bắt buộc phải học cho cha mẹ.

"Điểm 10 rất quan trọng đối với phụ huynh học sinh ở cả ba khối học này. Với họ, điểm 10 không đơn thuần chỉ là thành tích học của con họ mà đó còn là thứ để họ mang ra khoe khoang, tự hào với bạn bè, đồng nghiệp về một người con học giỏi, toàn điểm 10. Ở đây là con học để cho cha mẹ được hãnh diện. Học vì sự hãnh diện, vì niềm ước mơ của cha mẹ", ông Vinh nói.

'Chỉ cần có lòng tham....'

Vị GS cho biết, hiện nay còn có một trào lưu khác là đua nhau cho con học trường tư để con đỡ phải học nặng mà vẫn được khen, thành tích vẫn tốt. Hay trào lưu cho con du học nước ngoài bất chấp năng lực và nguyện vọng của con cái chỉ để đạt được mục đích có cái tấm bằng du học, có được chứng nhận GS.T để dễ bề thăng quan tiến chức.

"Tâm lý của người Việt từ xa xưa là "một người làm quan cả họ được nhờ", vì vậy đua nhau học còn là đua nhau để được làm quan. Vì người ta quan niệm rằng, làm quan không những oai, được mở mày mở mặt với họ hàng, mà làm quan còn có nhiều lộc.

Lộc trời, lộc vua, lộc quan... nhiều lộc như vậy nên người ta mới muốn làm quan. Còn ngày nay chúng ta vẫn đang phải chứng kiến có những vị lãnh đạo, quan chức "ăn trên ngồi chốc", có danh không có thực tài... Đây là điều rất đáng lo ngại, khiến cho đất nước không thể tiến lên được.

Đây chính là hệ quả của những đứa trẻ khi bé đã phụ thuộc vào cha mẹ, lớn lên cũng phụ thuộc thì đến lúc đi làm vẫn phụ thuộc. Chúng không có được kỹ năng, tư duy độc lập để xử lý, giải quyết công việc mà luôn thụ động, chờ đợi chỉ đạo mới làm được.

Ở Việt Nam dù đã được chứng kiến khá nhiều lớp đại gia giàu có, nhiều tiền lắm của nhưng sự giàu có đó lại không có mấy phần dựa trên năng lực tự có. Tất cả cũng bởi tâm lý ỉ lại, dựa dẫm, ăn sẵn, chứ không cần vươn lên", GS Vinh cảnh báo.

Ông Vinh nói rõ thêm, để có thể theo kịp thế giới Việt Nam cần hai yếu tố quan trọng đó là con người và công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, cả hai điều kiện này Việt Nam đều không có. Để đào tạo được một con người phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của trong khi người Việt Nam lại chỉ chú trọng tới "con chữ" mà xem nhẹ đầu tư phát triển tư duy, kỹ năng, thực hành. 

Còn về công nghệ, kỹ thuật, đối với thế giới đó là sự thay đổi không ngừng. Không có công nghệ, không có tiền, không có người tài thì mục tiêu "đi tắt đón đầu" hay "bắt kịp thế giới"... vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.

"Điều cần nhất bây giờ là phải tự thay đổi mình, thay đổi từ tư duy, thay đổi mục tiêu, mục đích để có nhìn nhận cho đúng đắn. Nếu học chỉ để lấy điểm 10, học để thăng quan tiến chức thì không cần giáo dục mà chỉ cần lòng tham của con người là đủ", vị GS nói thẳng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam