Dòng sự kiện:

Phương pháp dạy trẻ sơ sinh của người Nhật cho mẹ đỡ vất vả hơn

Theo PNN
07:43 04/10/2017
Phương pháp dạy trẻ sơ sinh của người Nhật là những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta có thể học tập. Người Nhật rất chú trọng đến việc giáo dục con cái, và ngay từ khi con sinh ra họ đã có những phương pháp để giúp phát triển trí thông minh cho con.

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia được đánh giá cao về trí tuệ và tính sáng tạo của người dân, cũng như những cách huấn luyện, đào tạo con người theo kỉ luật nghiêm khắc. Đó là lí do vì sao rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến phương pháp dạy trẻ sơ sinh của người Nhật.

1/ Thị giác

- Treo quanh giường bé mới sinh những bức tranh phong cảnh đẹp nổi tiếng thế giới. Bạn nên chú ý tạo một không gian nhiều màu sắc quanh bé. Trên các giá, kệ đựng đồ nên có những đồ vật, khối gỗ đồ chơi với màu sắc tươi sáng.

- Nếu bé mới được dưới 1 tháng tuổi, hãy cho bé ngắm những vật màu đen và trắng kẻ sọc 3 phút mỗi ngày, đều đặn trong một tuần. Khả năng tập trung của bé từ dưới 5 giây sẽ tăng lên từ 60-90 giây. Khả năng tập trung là một trong những yếu tố cực kì quan trọng giúp cho việc học tập của bé sau này.

- Dưới 9 tháng tuổi, hệ thần kinh của bé vẫn chưa phát triển hoàn toàn, bé không thể phân biệt được màu đỏ, xanh lá và vàng. Nếu bé được 6 tháng tuổi và bắt đầu chán với các đồ chơi có sọc ngang, sọc dọc, hãy thử chuyển sang những đồ chơi có hình sọc nhỏ hơn. Nếu con bạn không còn quan tâm, tạm thời không cho trẻ chơi với đồ chơi có sọc trong một thời gian xem sao.

- Đặt bảng chữ cái gần giường của bé. Trẻ sơ sinh sớm được tiếp xúc với chữ cái thì khi lớn lên cũng có hứng thú học hơn. Hàng ngày bế bé lại gần bảng chữ cái trong khoảng 2-3 giây rồi lại đưa ra xa, bé sẽ rất thích thú và quơ tay loạn xạ khi được lại gần bảng chữ cái.

2/ Thính giác

Tiếp theo, bạn bật cho em bé nghe những bản nhạc mẹ đã chọn mỗi ngày nhé. Mỗi lần nghe là khoảng 15 phút và khoảng 30 phút mỗi ngày.

Hãy để trẻ lắng nghe âm nhạc nhẹ nhàng với âm lượng không quá lớn. Cần lưu ý rằng nếu các em bé nghe băng hay đĩa CD trong một thời gian dài, các bé sẽ hình thành thói quen xấu là chỉ thích nghe âm thanh trên CD hay ghi âm mà không biểu hiện cảm xúc với tiếng nói thực sự của các bà mẹ.

Khi em bé nghe nhạc, mẹ đặt bé nằm gọn trên hai đầu gối mẹ, nhẹ nhàng đu đưa trẻ theo nhịp của âm nhạc. Điều đó có nghĩa là hai bàn tay của mẹ giữ nách của trẻ, hơi nhấc trẻ lên mà không chạm vào đầu gối mẹ, sau đó lại hạ trẻ xuống một cách nhẹ nhàng. 

Điều quan trọng nữa là phải nói chuyện nhiều với em bé của bạn sau khi sinh. Khi cho chúng ăn, thay tã, hoặc khi tắm bé, mẹ nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ. Trong khi thay tã lót cho trẻ, mẹ nắm tay và bàn chân của trẻ và nói: “Đây là bàn tay, bàn tay, bàn tay”, lặp đi lặp lại. Hoặc khi thay tã cho em bé, hãy cho bé giữ quả bóng nhỏ hay con búp bê và nói: “Đây là quả bóng, quả bóng, quả bóng”, “Đây là con búp bê, búp bê, búp bê”. Đó là cách để phát triển thính giác cho trẻ kiểu Nhật.

3/ Xúc giác

- Bài học đầu tiên về xúc giác là bú sữa mẹ và mẹ cần lưu ý quan sát kĩ khi con bú. Đối với lần đầu tiên thì con thường chạm mũi hoặc cằm vào ti mẹ và rất vất vả để ngậm được ti mẹ. Nhiều người thấy thế liền dùng tay để giúp con, nhưng điều này là không cần thiết.

- Mẹ hãy nên đặt ti vào nhiều vị trí khác nhau như: như môi, miệng, hàm trên, hàm dưới, cằm, má để con có thể tự định hình được không gian và cảm nhận được sự thay đổi giữa các vị.

4/ Vị giác

Mẹ hãy cho nhúng khăn xô lần lượt cùng với một ít nước lạnh, nước ngọt, nước mặn và nước chua; mỗi chiếc khăn thử một kiểu vị giác ở trẻ. Và đây cũng là cách rất tốt để kích hoạt vị giác cho trẻ.

5/ Khứu giác

Có thể sử dụng mùi hương tự nhiên của các loài hoa, trẻ sẽ nhoài đầu để hướng tới loại mùi này. Việc cho bé tiếp xúc với nhiều loại mùi khác nhau sẽ có tác dụng kích thích khứu giác của trẻ phát triển tốt hơn.

Trên đây là phương pháp dạy trẻ sơ sinh của người Nhật ngay từ khi còn nhỏ. Hy vọng với phương pháp dạy trẻ sơ sinh của người Nhật ở trên sẽ mang đến những kinh nghiệm hữu ích trong việc nuôi dạy con trẻ cho các bà mẹ Việt.

Nguồn: Gia đình Việt Nam