Dòng sự kiện:

Que thử 2 vạch rồi, làm gì tiếp theo?

17:43 26/11/2015
2 vạch đỏ hồng trên que thử thai sẽ khiến bạn cảm thấy vui sướng hạnh phúc tột độ và muốn thông báo ngay cho anh xã, bố mẹ, người thân và bạn bè.

 

 

 

 [mecloud]Z7aK0rqsJl[/mecloud]

Tuy nhiên, ngay từ giây phút này, bạn phải nhận biết rằng mình không sống cho một mình bản thân mình nữa mà sống cho 2 người. Vì thế, mẹ cần làm ngay và thật cẩn thận những điều sau để ngày đón bé yêu được hạnh phúc tròn đầy.

Khám thai sớm

Để khẳng định chắc chắn đã mang trong mình một sinh linh bé bỏng, đáng yêu, chị em hãy đến cơ sở y tế, phòng khám hay bệnh viện uy tín để được kiểm tra cẩn thận. Các thăm khám được thực hiện từ khi thụ thai cho đến kết thúc 3 tháng đầu tiên của thai kỳ gồm:

Xác định thụ thai. Khi trễ kinh 2 tuần và kèm các dấu hiệu như căng đầu vú, hay đi tiểu lắt nhắt, thường buồn nôn, nôn, người mệt mỏi cáu gắt, chướng bụng …, hoặc khi que thử thai lên 2 vạch, chị em nên đi khám ngay để loại trừ trường hợp thai nằm ngoài tử cung.

Thường chị em sẽ được chỉ định siêu âm ngả âm đạo để xác định vị trí thai nhi, số lượng thai, xác định tuổi thai, tìm những bất thường của tử cung và 2 buồng trứng nếu có. Tim thai cũng sẽ được bác sĩ xem xét. Nếu chưa thấy tim thai lúc mới 5 - 6 tuần tuổi, bạn cũng đừng lo lắng quá vì có thể thai nhi còn quá nhỏ. Khi đó, bạn sẽ được hẹn lại lần sau, khi thai được 7 – 8 tuần tuổi để xác định lại. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tính ngày dự sinh cho bạn. Theo đó, ngày dự sinh là ngày thai nhi được 40 tuần tuổi.

Tuy nhiên bạn cũng nên biết rằng ngày dự sinh chỉ là con số ước chừng, vì có gần 85% thai nhi bình thường sinh ra trong khoảng 1 tuần trước hoặc sau ngày dự tính sinh con.

Siêu âm độ mờ da gáy. Vào thời điểm thai nhi được 11 – 13 tuần tuổi chính là lúc thích hợp nhất để đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể nguy hiểm gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành v.v…, vì qua 14 tuần kết quả có thể không còn chính xác.

Mọi thai nhi đang phát triển đều có một lớp dịch giữa da và mô mềm bên dưới gáy. Những bé có khiếm khuyết nhiễm sắc thể và tim bẩm sinh thường có nhiều nước hơn bình thường trong lớp này. Vì vậy, bóng mờ của hình dạng, kích thước như thế nào có thể chỉ ra bất thường nhiễm sắc thể. Nếu kết quả siêu âm độ mờ da gáy là 3mm, thai phụ sẽ được chỉ định chọc ối để xác định chuẩn đoán bệnh Down và siêu âm hình thái xem có dị dạng hay không vào tuần thứ 18 của thai kỳ.

- Xét nghiệm máu. Đây là việc cần làm khi khám thai, gồm xét nghiệm xác định nhóm máu, công thức máu, kết hợp xét nghiệm đường huyết, tổng phân tích nước tiểu và xét nghiệm để phát hiện các bệnh lây nhiễm như Rubella, giang mai, HIV, viêm gan siêu vi B để có biện pháp can thiệp, dự phòng kịp thời.

Thông báo tin vui


Trong lúc một số chị em chỉ chia sẻ thông tin bầu bí khi vượt được 13 tuần thai, tức là nguy cơ cao nhất của sẩy thai đã qua, lại có không ít thai phụ chọn cách thông báo tin mừng với bạn bè cùng gia đình ngay khi đã xác định được tim thai.

Việc chia sẻ thông tin bầu bí sớm không chỉ giúp bạn nhận được nhiều lời chúc mừng, những lời khuyên bổ ích từ người đi trước, mà còn được quan tâm, thông cảm lẫn giúp đỡ trong thời gian đầu rất dễ ốm nghén, cáu gắt và rất hay mệt mỏi này.

[mecloud]pyOUohcJvF[/mecloud]

Củng cố kiến thức bầu bí và sinh nở

Tham gia các lớp học tiền sản, Yoga hay tìm hiểu thông tin về quá trình mang thai và chuyển dạ, lẫn việc chăm sóc bé yêu sau chào đời là những việc bạn cần làm ngay khi biết mình bầu bí. Củng cố kiến thức trong lĩnh vực này không chỉ giúp bạn chăm sóc sức khỏe cho bản thân và sự phát triển của thai nhi tốt hơn, mà còn để chủ động trong việc phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thai nghén, giúp quá trình chuyển dạ diễn ra dễ dàng, cũng như không bỡ ngỡ khi chăm sóc bé sau sinh.

Chỉnh đốn chế độ ăn uống, ngủ nghỉ

Gạch bỏ rượu khỏi thực đơn

Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng các mẹ bầu không nên sử dụng rượu và các đồ uống có chứa cồn khác vì chúng rất nguy hiểm cho thai nhi. Các chuyên gia còn khuyên chị em nên kiêng rượu từ những ngày chuẩn bị mang thai. Uống nhiều rượu trong thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non, sảy thai… Mẹ bầu hãy chọn những đồ uống lành mạnh như nước ép hoa quả, sữa thay vì uống rượu, bia.

Uống thuốc bổ sung

Các bác sĩ đều khuyên chị em nên uống thuốc bổ trước khi mang thai. Nếu bạn chưa bổ sung thì ngay từ khi biết tin có thai cần uống ngay thuốc bổ theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ nữ mang thai cần bổ sung ít nhất 400 microgram axit folic mỗi ngày – giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh; 30 mg sắt – giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cũng cần uống thêm canxi, vitamin C, kẽm, đồng, vitamin B-6 và vitamin D. Chị em cũng nên bổ sung thêm DHA thông qua omega-3 giúp phát triển thị giác và trí não thai nhi.

Tránh xa các thực phẩm không an toàn


Bạn cần biết rõ danh sách các thực phẩm cần tránh trong thai kỳ, bao gồm thực phẩm tái sống, thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao, đồ ăn chưa được tiệt trùng, hải sản xông khói, trứng sống… Nguyên tắc ăn uống trong thai kỳ là phải ăn chín, uống sôi.

Ngủ đủ giấc

Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến ngay từ những ngày đầu mang thai cho dù em bé của bạn chỉ mới bằng hạt mầm nhỏ xíu. Để giảm bớt cảm giác này, chị em nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Mẹ bầu được khuyên nên ngủ đủ 8 giờ/ngày và tranh thủ ngủ buổi trưa tầm 30-45 phút.

Tập thể dục

Phụ nữ mang thai luôn được khuyến khích nên tập thể dục đều đặn 30-45 phút mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu giảm mệt mỏi, căng thẳng và dễ sinh nở. Tuy nhiên, chị em cần chú ý tập những những môn nhẹ nhàng, tránh động tác mạnh. Những môn thể thao mẹ bầu nên tập là yoga, bơi lội, đi bộ…

Làm quen với những bà mẹ khác

Không có cách nào tốt hơn để trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho mình bằng việc tiếp xúc, tìm hiểu quá trình mang thai với bạn bè và chị em đi trước. Bằng cách chia sẻ thành thật nỗi lo âu, hoang mang trong quá trình bầu bì và sinh nở, bạn nhận ra rằng mình sẽ nhận được muôn vàn lời khuyên bổ ích, lý thú từ những trải nghiệm thực tế của những người đã từng qua quá trình này mà đôi khi không có sách vở nào đề cập. Đây cũng chính là lúc học hỏi kinh nghiệm từ mẹ bạn, bạn sẽ thấy tình cảm mẹ con không chỉ ngày càng gắn kết, mà còn hiểu và yêu mẹ hơn vì những vất vả mà bà đã trải qua để mang nặng đẻ đau và nuôi dạy bạn nên người.

Cách sử dụng que thử thai

Sử dụng que thử thai không đúng hướng dẫn ví dụ như không thử trong vòng 15 phút sau khi xé bao, để nước tiểu ngập quá phần mũi tên, đọc kết quả sau quá 15 phút… cũng làm kết quả thử thai bị sai lệch.

Vì vậy, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn để có được kết quả chính xác:

Bước 1: Lấy nước tiểu vào trong chén.

Bước 2: Xé bao nhôm đựng que thử thai (sử dụng trong vòng 15 phút)

Bước 3: Cầm que thử thai trên tay theo hướng mũi tên chỉ xuống.

Bước 4: Cắm que thử thai vào chén đựng nước tiểu sao cho nước tiểu không ngập quá mũi tên.

Bước 5: Chờ 5 phút bắt đầu đọc kết quả. Sau 5 phút, lằn vạch ngang màu hồng sẽ hiện ra trên que thử thai báo hiệu cuộc thử nghiệm đã hoàn tất.

Nếu vạch hồng thứ hai hiện ra dưới vạch hồng đầu tiên, đó là kết quả bạn đã có thai

Dấu hiệu mang thai

* Lưu ý: Độ đậm của vạch hồng thứ hai phụ thuộc vào tuổi thai của bạn

Nếu không có thai, vạch hồng thứ hai không xuất hiện.

Thời gian đọc kết quả: trong vòng 15 phút, nếu đọc kết quả sau 15 phút thì cần phải thử lại.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]Xj2bXHpWJa[/mecloud]