Dòng sự kiện:

Rủi ro nguy hiểm mẹ bầu gặp phải khi thai quá ngày dự sinh

14:00 24/11/2015
Nếu mẹ bầu mang thai quá ngày mà không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả như: bánh nhau thai bị thoái hóa làm cho thai nhi không được cung cấp dưỡng chất và tử vong trong bụng mẹ.

 

 

Trong một số ít trường hợp, thai quá ngày nhưng nhau thai vẫn hoạt động bình thường giúp em bé lớn lên. Lúc này, mẹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sinh con.

Bạn hoàn toàn có thể dự đoán được ngày sinh của mình. Nếu đến ngày dự sinh, bạn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, hãy đến bệnh viện sản khoa để được bác sĩ thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm một thử nghiệm gọi là nghiệm pháp thử thách bằng Oxytocin. Y tá sẽ truyền cho bạn dung dịch Glucose 5% có pha 5 đơn vị Oxytocin để tạo nên cơ co thắt tử cung giống như giai đoạn đầu của cuộc chuyển dạ. Bác sĩ cũng sẽ gắn máy theo dỗi tim thai. Từ đó bác sĩ sẽ có những kết luận cuối cùng về kích thích sinh thường hoặc chỉ định sinh mổ.


Các rủi ro có thể gặp phải khi thai quá ngày

- Trưởng thành muộn: Do nằm trong nước ối lâu, thai nhi sẽ bị mất đi lớp mỡ bao bọc cơ thể, nhiều nhất là vùng bụng. Lúc này, làn da của bé sẽ đỏ ửng, nhăn nhúm cứ như thể một cái áo không vừa vặn với cơ thể bé và có thể bị tróc dần ra. Ngoài ra, trưởng thành muộn còn gây khó khăn trong quá trình chuyển dạ xương sọ cứng hơn và thai nhi cũng to hơn.

- Một khi lá nhau bị thoái hóa dần do thai quá ngày sẽ khiến nhau thai bị suy. Để dẫn đến tình trạng này, cơ thể thai nhi sẽ bị sụt cân, giảm lượng mỡ cần thiết cũng như giảm khối lượng cơ do thiếu chất dinh dưỡng và oxy.



- Thai quá lớn (trên 4kg), đặc biệt trong trường hợp mẹ bị béo phì hay bị tiểu đường thai kỳ. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này gây khó khăn thế nào trong quá trình chuyển dạ. Nhiều trường hợp phải sinh mổ do khó sinh. Nếu cố sinh thường, khi di chuyển qua đường sinh, vai thai nhi to quá có thể làm gãy xương đòn, gây liệt hoặc rối dây thần kinh cánh tay, thậm chí đe dọa đến tính mạng thai nhi.

- Quá ngày sinh, nước ối giảm dần sẽ làm tim thai gặp vấn đề vì lúc này dây rốn sẽ chèn ép thai nhi.

- Hội chứng hít nước ối có phân su (phân bé tạo ra lúc còn trong bụng mẹ) do quá ngày sinh chiếm hơn 25% trường hợp. Nó có thể làm giảm chức năng hô hấp của thai nhi. Điều này là do lượng phân su thải ra nước ối ngày càng nhiều khi đến cuối thai kỳ. Khi lượng nước ối ít đi làm phân su đặc lại. Nếu thai nhi hít phải sẽ làm tắt nghẽn đường hô hấp dẫn đến việc chức năng hô hấp bị suy giảm hay còn gọi là hội chứng suy hô hấp.

- Riêng với mẹ, thai già tháng gây nên những áp lực tâm lý, tạo điều kiện cho stress gia tăng. Ngoài ra, việc sinh ra một em bé quá to có thể khiến mẹ bị rách cổ tử cung, rách âm đạo, làm giãn sàn chậu, mất tự chủ tiêu tiểu sau sinh và có nguy cơ suy yếu cổ tử cung, một nguyên nhân dọa sinh non ở lần mang thai kế tiếp. 



- Nguy hiểm hơn cả, tỷ lệ thai chết trong bụng mẹ lưu trong các trường hợp thai quá ngày cao gấp 2 lần khi vào đến tuần thứ 43 và 3 lần khi đến tuần thứ 44 của thai kỳ. Theo các thống kê cho thấy thai quá ngày sinh có tỷ lệ chết chu sinh cao gấp 3 lần bình thường.

Cách phòng chống thai quá ngày

Bạn cần phải nhớ rõ ngày kinh nguyệt đầu tiên của mình là ngày nào để từ đó bác sĩ đưa ra ngày dự sinh chính xác nhất.

Đối với những chị em có vòng kinh không đều hoặc quá dài,  bạn cần giữ cẩn thận phiếu khám thai và siêu âm thai trong qúy đầu của thai kỳ, tốt nhất là khi trễ kinh được 3 tuần để sau này bác sĩ có bằng chứng khoa học cho việc xác định tuổi thai và dự đoán ngày sinh.

Nếu bạn mang thai đến 41 tuần (quá hạn 1 tuần), bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để kiểm tra em bé. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm NST (non-stress test) và siêu âm.


- Xét nghiệm có thể cho thấy em bé có khỏe và lượng nước ối có bình thường không. Khi đó, bác sĩ có thể quyết định chờ cho đến khi bạn tự chuyển dạ.

- Nếu xét nghiệm cho thấy em bé có những vấn đề nào đó, mẹ bầu và bác sĩ phải quyết định xem có cần phải kích thích chuyển dạ hay không.

Khi thai được 41 - 42 tuần, những rủi ro cho mẹ và bé trở nên nghiêm trọng hơn. Bác sĩ thường sẽ kích thích cho bạn chuyển dạ. Với những thai phụ lớn tuổi, đặc biệt là trên 40 tuổi, có thể được khuyến khích kích thích chuyển dạ sớm từ 39 tuần.

Bạn cũng cần phải thăm khám sức khỏe thường xuyên trong quá trình mang thai. Nếu quá ngày sinh dự kiến từ 5 ngày trở lên, bạn phải đến bệnh viện thăm khám để được xử lý kịp thời. Phòng tránh rủi ro đáng tiếc cho mẹ và bé.

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam