Dòng sự kiện:

Sơn tường đe dọa sức khỏe phụ nữ mang thai thế nào?

16:45 18/02/2016
Với nồng độ cao, sơn tường có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, kích ứng mắt và mũi.

 

 

 

Chào bác sĩ, dạo gần đây nhà tôi có sửa sang lại. Tôi đang mang bầu được hơn 2 tháng. Tôi có phụ giúp chồng việc sơn tường nhà. Tuy nhiên, tôi liên tiếp cảm thấy khó thở, nhức đầu, chóng mặt khi ngửi thấy mùi sơn. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đó là do mình ốm nghén. Hỏi ra mới biết, đó là tác động xấu của sơn. Vậy, liệu có đúng sơn tường đã ảnh hưởng tới hệ hô hấp của tôi không? Nó có thể ảnh hưởng tới con của tôi và tôi có nên tiếp tục sơn tường nữa không hay tránh đi chỗ khác? Xin cảm ơn.

------------

Chào chị!

Trước hết, tôi xin khẳng định, việc chị khó thở, thở kém, nhức đầu, chóng mặt chính là do một phần tác động xấu của sơn tường.

Trước đây, benzen được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất các chất hữu cơ, dùng làm dung môi pha chế sơn. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chứng minh mức độ độc hại của benzen, đồng thời xác định hóa chất này là một yếu tố gây ung thư máu. Ở Việt Nam, một nghiên cứu sơ bộ được thông báo năm 2000 của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho thấy có 5 trường hợp ung thư máu và hạch được điều tra ở công nhân xây dựng, những người tiếp xúc với sơn tường có dung môi hòa tan là benzen.

Ảnh minh họa.

Mặc dù hiện nay, benzen đã bị cấm không được sử dụng làm dung môi pha chế sơn nhưng các loại sơn được dùng phổ biến cũng vẫn có chứa hóa chất độc hại khác như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Khi sơn khô, những chất này sẽ bay vào không khí và khi chúng ta hít phải, chúng có thể gây kích ứng đường hô hấp. Với số lượng lớn, nghiên cứu trên động vật cho thấy có mối liên quan của các hóa chất này với những dị tật bẩm sinh.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, đối với người lớn, các chất hữu cơ trong VOCs có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn nhưng với nồng độ cao sẽ gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, kích ứng mắt và mũi. Sơn bám trên da cũng có nguy cơ gây dị ứng, phát ban. Với những người bị bệnh về hô hấp, hít phải mùi sơn có thể làm bệnh hen suyễn và viêm xoang thêm trầm trọng hơn.

Nghiêm trọng hơn, nếu thường xuyên phải tiếp xúc với VOCs nồng độ cao trong thời gian dài thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính như ung thư hoặc có thể tổn thương gan, thận vã hệ thần kinh trung ương.

Đọc tới đây, chắc chị cũng đã biết, sơn tường không những có ảnh hưởng chị mà còn đến cả em bé trong bụng nữa phải không?

Vì thế, lời khuyên của chúng tôi dành cho chị là chị nên dừng ngay việc sơn tường và tránh đi chỗ khác. Hãy để công việc này cho người khác làm giúp. Bên cạnh đó:

- Nếu có thể, hãy bàn với chồng tạm dừng việc sơn sửa nhà cửa lại cho tới khi chị sinh “mẹ tròn con vuông”.

- Nếu bắt buộc phải sửa, chị nên tránh đi chỗ khác, bàn với chồng lựa chọn loại sơn không chứa các thành phần hóa học độc hại.

- Giữ thực phẩm và nước uống tránh xa nơi sơn bả vì các chất độc hại có thể bám vào.

- Sau khi sơn xong, nên mở cửa 5-7 ngày cho sơn nhanh khô và bay hết mùi mới được dọn tới ở.

Chúc chị vui khỏe!

Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam