Dòng sự kiện:

Tác dụng bất thường của thuốc đối với thai nhi, mẹ bầu cần biết

17:53 05/09/2016
Khi người mẹ mang thai dùng thuốc, thuốc lưu thông giữa mẹ và thai nhi theo đúng con đường mà những cơ chất có lợi cho sự trưởng thành của thai vẫn đi qua.

Trường hợp không biết mình mang thai nên đã lỡ sử dụng các loại thuốc là khá phổ biến đối với các bà mẹ mang thai, nhất là khi mang thai lần đầu.

Mang thai uống thuốc được không?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các thai phụ dùng thuốc thiếu an toàn như tự uống thuốc không có đơn của thầy thuốc, thường là các thuốc cảm, thuốc ho, thuốc nhuận tràng, giảm đau, an thần. Có trường hợp uống thuốc mà không biết mình có thai hoặc biết có thai nhưng vẫn phải uống thuốc để chữa một căn bệnh mãn tính nào đó như bệnh động kinh, bệnh tiểu đường. Chính vì không chủ động được hoặc  thiếu thông tin nên các bà mẹ đã dùng thuốc trong giai đoạn có thai không thích hợp.

Khi người mẹ mang thai dùng thuốc, thuốc lưu thông giữa mẹ và thai nhi theo đúng con đường mà những cơ chất có lợi cho sự trưởng thành của thai vẫn đi qua. Hầu hết những phân tử thuốc và chất độc ít nhiều đều có thể đi qua được rau thai với tốc độ nhanh chậm khác nhau.

Sự ảnh hưởng của thuốc với thai nhi còn phụ thuộc vào liều lượng thuốc mà người mẹ uống nhiều hay ít, thời gian uống thuốc dài hay ngắn. Qua nghiên cứu người ta thấy khi người mẹ dùng thuốc ở giai đoạn nào, thai nhi cũng chịu những tác hại của thuốc. Không có ai lường trước được tác dụng bất thường của thuốc đối với thai nhi và phụ nữ có thai.

Dưới đây là một số ảnh hưởng của thuốc lên thai nhi:

- Rượu: Dị tật ở thần kinh trung ương; suy dinh dưỡng

- Kháng sinh và sulfamid:

+ Tetracyclin tích lũy ở xương và răng, làm răng bị đổi màu suốt đời,  trẻ chậm lớn, có thể dị tật ở chân tay.

+ Steptomycin, gentamicin, amikacin, kanamycin có thể gây điếc không hồi phục.

+ Cloramphenicol gây “hội chứng xám” ở trẻ sơ sinh.

+ Rifampicin: đe dọa chảy máu trong chuyển dạ.

+ Sulfamid: Đe dọa vàng da nhân não ở trẻ sơ sinh

+ Trimethoprim (trong cotrimoxazol) có thể gây quái thai.

- Thuốc điều trị sốt rét: Quinin, cloroquin có thể gây điếc, phì đại nửa người.

- Thuốc điều trị ung thư: methotrexat gây dị tật ở thần kinh, dễ gây quái thai

- Thuốc chống co gật: Phenobarbital, carbamazepin, phenytoin dẽ dị tật ở tim, khe môi, vòm miệng, xương, thần kinh trung ương và hệ tiêu hóa.

- Glucocorticoid gây nguy cơ suy thượng thận và hạ đường máu ở trẻ sơ sinh.

- Aspirin gây vàng da nhân ở thai nhi. Liều cao có thể làm chậm chuyển dạ hoặc chảy máu trong, sau đẻ. 

- Các thuốc lợi tiểu dùng liều cao vì làm hạ kali máu của mẹ, rối loạn điện giải và giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh.

-  Mẹ dùng hormon sinh dục nam và các progestin tổng hợp trong 12 tuần đầu của thai kỳ làm cho thai nữ bị nam hóa ở bộ phận sinh dục ngoài.

- Thuốc giáp trạng như: triiodothyronin (T3), propylthiouracil (PTU), methimazol qua rau thai, gây bướu cổ ở thai.

- Thuốc điều trị phong: Thalidomide gây quái thai

- Vitamin A uống với liều > 10.000 UI/ ngày và dùng dài ngày tăng nguy cơ sinh quái thai.

- Mẹ uống nhiều café (chứa cafein) khoảng 7-8 tách đặc mỗi ngày có thể làm thai chết lưu hoặc đẻ non, trẻ thiếu cân, sảy thai.

- Người mẹ khi mang thai hay dùng diazepam để an thần đẻ con dễ bị trầm cảm hoặc kích động.

- Với các thuốc bôi ngoài da, thời kỳ này lưu lượng máu qua da tăng cao nên hấp thu thuốc ở da và niêm mạc cũng tăng lên rất mạnh. Do vậy phải thận trọng, thật cần thiết mới sử dụng.

Không có ai lường trước được tác dụng bất thường của thuốc đối với thai nhi và phụ nữ có thai, như thế không có nghĩa là người mẹ  không dùng thuốc trong thời kỳ này bởi nếu người mẹ bị ốm mà không được điều trị thì bệnh tật sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Cũng không thể ỷ lại hoàn toàn vào sức đề kháng của cơ thể người mẹ, nếu là bệnh nhẹ thì có thể tự khỏi nhưng nếu bệnh tương đối nặng mà việc chữa trị kéo dài thì bệnh không những không khỏi mà càng thêm nặng, mất nhiều công sức điều trị và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

Mặt khác, tâm lý bất ổn, lo lắng khi người mẹ bị bệnh mà không điều trị cũng gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi trong bụng.

DS. Đặng Thủy

Nguồn: Gia đình Việt Nam