Dòng sự kiện:

Tất tần tật cơ chế chuyển dạ báo hiệu mẹ sắp đẻ thường

15:08 18/10/2015
Chuyển dạ là giai đoạn cuối cùng để kết thúc thời kỳ thai nghén. Đây là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất đối với sức khoẻ và tính mạng của mẹ và con.

 

 

Chuyển dạ là quá trình sinh lý, trong đó thai và rau thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Chuyển dạ là giai đoạn cuối cùng để kết thúc thời kỳ thai nghén. Đây là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất đối với sức khoẻ và tính mạng của mẹ và con. Do đó cần phải chẩn đoán chính xác và theo dõi sát chuyển dạ để hạn chế các tai biến xảy ra trong chuyển dạ.


Thì lọt 

Trước khi chuyển dạ đầu thai nhi thường cúi chưa tốt, đường kính chẩm trán 11,5 cm song song với mặt phẳng eo trên, đầu thai nhi qua giai đoạn chuẩn bị lọt rồi mới lọt chính thức.

Chuẩn bị lọt: Dưới tác dụng của cơn co tử cung đầu thai nhi cúi dần từ đường kính chẩm trán 11,5cm chuyển thành đường kính hạ chẩm trán 11cm rồi thành đường kính hạ chẩm thóp trước 9,5, đường kính này khớp với đường kính chéo trái của eo trên.

Lọt thật sự: Là một quá trình diến ra từ khi đường kính của ngôi trùng với mặt phẳng eo trên của đường kính chéo trái.

Trên lâm sàng:

- Khám thấy 2 bướu đỉnh nằm trong âm đạo

- Làm dấu hiệu Farabauf (+), 2 đầu ngón tay để trong âm đạo không tới được đốt cùng 2 (chỉ xác định được khi đầu không có bướu huyết thanh)

Kiểu lọt

- Lọt đối xứng: 2 bướu đỉnh cùng xuống song song.

- Lọt không đối xứng: 1 bướu xuống trước, 1 bướu xuống sau

Khi bướu đỉnh trước lọt xuống trước gọi là lọt không đối xứng trước. Khi bướu đỉnh sau lọt xuống trước gọi là lọt không đối xứng sau. Cách lọt không đối xứng sau hay gặp hơn vì hõm khớp cùng chậu rộng hơn nên bướu đỉnh sau dễ lọt xuống hơn.

Có 3 mức lọt:

- Lọt cao: Khi bướu đỉnh đã qua eo trên, nhưng trên gai hông 1cm

- Lọt trung bình: Khi bướu đỉnh nằm ngang mức đường gai liên hông

- Lọt thấp: Khi bướu đỉnh dưới mức 2 gai hông

Thì xuống

Là giai đoạn di chuyển của ngôi thai từ mặt phẳng eo trên đến mặt phẳng eo dưới. Khi xuống thấp đầu thai chạm vào đáy chậu làm đáy chậu giãn ra. Trên lâm sàng giai đoạn lọt và xuống xảy ra đồng thời khó có thể phân biệt rõ ràng. Quá trình này xảy ra song song với quá trình xoá mở cổ tử cung.

Tư thế của thai nhi cũng thay đổi khi thai nhi xuống. Nhất là các kiểu thế ngang và kiểu thế sau. Thân thai nhi và cột sống thẳng dần ra, khi ngôi thai xuỗng hết ngực và cổ, thai nhi sẽ ưỡn cột sống cong ra trước.

Thì quay

Khi đầu thai nhi chạm vào lớp cân cơ của đáy chậu thì đầu thai nhi bắt đầu quay để đường kính hạ chẩm - thóp trước (9,5 cm) trở thành song song với đường kính trước sau của eo dưới.

- Ngôi chỏm kiểu thế trước thì đầu sẽ quay 45 độ ra trước.

- Ngôi chỏm kiểu thế sau thì đầu sẽ quay 45 độ ra phía sau, hoặc có thể quay 135 độ ra trước. 

Thì sổ


Sau khi quay xong đầu thai nhi vẫn cúi nhưng thân thai nhi ưỡn ngửa hết mức, cột sống cong hẳn ra phía trước.

 Chuẩn bị sổ (Sổ chẩm): Đầu tiếp tục cúi dưới lực của cơn co tử cung và  sức cản của đáy chậu 1 phần xương đỉnh thoát ra khỏi eo dưới. Khi bờ dưới xương chẩm tỳ vào khớp vệ đầu không cúi nữa bước sang thì sổ chính thức.

- Thì sổ chính thức : Đầu thai nhi ngửa dần đáy chậu bị phần trán , mặt đè vào làm phồng to lên dãn dài ra. Hạ chẩm của đầu thai nhi tỳ vào bờ dưới khớp vệ, dưới áp lực của cơn co tử cung đầu ngửa dần để các đường kính hạ chẩm thóp trước, hạ chẩm trán, chẩm cằm tuần tự sổ ra ngoài. Khi cằm thoát ra khỏi âm hộ là hết giai đoạn đẻ đầu. Sau khi sổ xong đầu thai nhi quay 45˚ từ phải sang trái để trở lại vị trí cũ chẩm ở vị trí trái trước.

Rau bong và sổ rau

Sau khi sổ thai, cơn co tử cung lại xuất hiện sau một giai đoạn nghỉ ngơi sinh lý làm cho rau và màng rau bong ra, xuống dần trong đường sinh dục và sổ ra ngoài. Sau khi rau sổ tử cung co chặt lại tạo thành một khối an toàn gây tắc mạch sinh lý để cầm máu.

Bong rau tự nhiên bắt đầu sau khi sổ thai khoảng 10-20 phút, nếu sau sổ thai qúa 60 phút mà rau vẫn chưa bong phải tiến hành bóc rau nhân tạo.

Đẻ và bong rau là một hiện tượng hoàn toàn sinh lý, vì vậy chúng ta phải tôn trọng cơ chế của nó, tránh thúc ép cuộc đẻ có thể dẫn tới tai biến cho mẹ và con, trừ những trường hợp bất thường liên quan đến mẹ hoặc thai nhi thì cần có sự chỉ định và can thiệp bởi bác sỹ.

CHĂM SÓC TRONG KHI CHUYỂN DẠ


  • Bà mẹ phải được theo dõi tại cơ sở y tế. Phải theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ một cách toàn diện, có hệ thống. Kịp thời phát hiện các bất thường trong quá trình chuyển dạ và chuyển đi bệnh viện để bảo đảm an toàn cho mẹ và con.
  • Đảm bảo cho mẹ có đủ nước và dinh dưỡng trong quá trình chuyển dạ.
  • Nếu sản phụ được quyết định đẻ tại cơ sở y tế, nữ hộ sinh cần phải chuẩn bị những dụng cụ tối thiểu cần thiết và phải bảo đảm vô khuẩn để đỡ đẻ. Phải thực hiện đúng qui trình khi đỡ đẻ, đỡ rau, kiểm tra rau, khi làm rốn, kiểm soát tử cung, khâu tầng sinh môn.
  • Tận tình, kiên nhẫn và tỉ mỉ.
  • Hỗ trợ tinh thần để giúp sản phụ bớt lo âu.

 

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam