Dòng sự kiện:

Thai to, thai bé nguy hiểm như thế nào mẹ đã biết chưa?

20:30 08/12/2015
Mẹ có biết thai nhi quá to hay quá nhỏ trong thai kỳ đều có ảnh hưởng lớn sức khỏe của bé không?

 

 

 

[mecloud]l4T2FQRjoD[/mecloud]

Thai to: Nhiều nguy cơ bệnh tật

Hầu hết người thân thường khuyên thai phụ nên ăn nhiều, vì “ăn cho hai người”. Em bé sinh ra có cân nặng trên 4kg được xem là thừa cân. Trẻ sơ sinh thừa cân đối diện với nguy cơ: bị hạ đường huyết (do nồng độ insulin của mẹ cao, sau khi sinh bị hạ xuống, trong khi hệ thống nội tiết của em bé không kịp điều chỉnh).

Điều này dẫn đến một loạt hiện tượng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt… Thậm chí, nếu không có kế hoạch dinh dưỡng hợp lý, bé sẽ rơi vào tình trạng béo phì rất khó cứu vãn, cùng với nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư...

Bé sơ sinh béo phì nếu không được bú sữa mẹ, nguy cơ thừa cân sau này sẽ tiếp tục tăng. Thông thường, nên cho bé bú sữa mẹ ít nhất sáu tháng đầu đời. Khi bé đến tuổi ăn dặm, cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có chế độ nuôi dưỡng đúng, tránh cho bé tiếp tục tăng cân quá nhiều so với tuổi.

Nguyên nhân nào khiến cho con nặng cân? Tại sao có trường hợp mẹ ăn ít con vẫn to? Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng khám Phụ sản Hoàng Gia TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây thai to như: thai to do mẹ bệnh tiểu đường. Bị tiểu đường trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai (tiểu đường thai kỳ) đều có khả năng sinh con to. Tiền sử sinh thai to: Nếu lần đầu sinh em bé nặng cân thì lần mang thai sau nhiều khả năng thai cũng sẽ to.

Ngoài ra, còn có trường hợp người mẹ khi được sinh ra nặng cân, sau này có nguy cơ cao mang thai to. Mẹ bị béo phì có nhiều khả năng sinh con béo phì. Mang thai quá ngày sinh sẽ có nguy cơ cao sinh con to nếu thai nhi tiếp tục được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ bởi bánh nhau khỏe mạnh.

Tuổi mẹ khi mang thai trên 35 cũng có nhiều khả năng sinh con to. Ngoài những nguyên nhân trên, bé sinh ra cũng có thể béo phì nếu mẹ mắc một bệnh hiếm nào đó.

Thai to là một trong những nguyên nhân gây sinh khó, phải can thiệp, có thể gây tổn thương đường sinh dục, thậm chí có thể gây vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ. Nếu mẹ bị bệnh tiểu đường, tăng cân quá nhiều khi mang thai, cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu dọa vỡ tử cung như: cơn co tử cung ngày càng mạnh và nhanh, sản phụ đau đớn vật vã.

Khi gặp trường hợp này, người thân nên gọi xe cấp cứu. Điều lo sợ nhất của các bác sĩ sản khoa cũng như bà mẹ là tình trạng kẹt vai thai nhi lúc sinh. Trong các cuộc sinh ngôi thuận (ngôi đầu), khi đầu thai nhi đã ra khỏi cửa mình người mẹ thì vai, ngực và các bộ phận khác của thai nhi sẽ được sinh ra một cách nhẹ nhàng.

Với những trường hợp thai to, khi đầu bé ra khỏi cửa mình người mẹ, vai của bé có thể bị kẹt lại ở khung chậu. Đây là trường hợp sinh rất khó và lúc này bằng mọi cách cũng phải sinh em bé theo đường âm đạo, không thể mổ.

Bác sĩ sản khoa sẽ làm một số thủ thuật để đưa thai nhi ra ngoài và bé sinh ra có thể bị gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay… Do đó, khi thai quá to, nhất là khi ước lượng cân thai trên 4kg, các bác sĩ thường tiến hành mổ để tránh các tai biến sản khoa.

Thai nhẹ cân: Sức đề kháng kém

Trẻ sơ sinh chào đời có cân nặng dưới 2,5kg có nghĩa là thai nhi đã bị nhẹ cân. Thai nhi nhẹ cân sẽ ảnh hưởng rất lớn về sau như trẻ sinh ra sẽ kém thông minh hay phản ứng chậm hơn những trẻ bình thường.

Trọng lượng của trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau từ kích thước tử cung, sức khỏe, tuổi tác người mẹ…

Thai phát triển trong bụng mẹ nhờ các nguồn: khẩu phần ăn của người mẹ mỗi ngày, kho dự trữ dưỡng chất của mẹ; quá trình trao đổi các chất dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi ở nhau thai; quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở thai nhi.

Chỉ cần một trong ba nguồn trên không cung ứng đủ thì thai sẽ gầy yếu, suy dinh dưỡng. Cụ thể, nhau thai chịu trách nhiệm vận chuyển chất dinh dưỡng cho bào thai, vì vậy nếu vì một nguyên nhân nào đó (các bệnh lý bánh nhau, nhau bong non, suy giảm chức năng…) sẽ khiến cho thai nhi không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển, dẫn đến còi cọc, thậm chí thai ngừng phát triển và tử vong.

Ngay từ khi chào đời, trẻ nhẹ cân đã phải chịu những thiệt thòi như dễ bị ngạt, viêm phổi hít phân xu, đa hồng cầu, bị hạ đường huyết trong nhiều tuần.

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy tình trạng chậm phát triển của thai nhi trong tử cung có ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh kém hơn trẻ đủ cân. Ở lứa tuổi học đường, trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh, chỉ số phối hợp nhìn – vận động, mức độ đọc thấp hơn bé sinh đủ ký.

Các vấn đề về cư xử như kích động, gặp vấn đề chậm phát triển thần kinh hơn trẻ đủ ký.

Để thai nhi không nhẹ cân, mẹ cần lưu ý:

Khám thai thường xuyên và điều trị các bệnh trong thời gian mang thai: Mẹ cần lên một lịch trình khám thai đều đặn trong suốt thời gian mang thai. Bác sĩ sẽ giúp mẹ phát hiện sớm chứng nhẹ cân ở thai nhi từ đó hướng dẫn cách ăn uống và ngủ nghỉ sao cho hợp lý. Nếu mẹ bị dấu hiệu của bệnh tiểu đường hay cao huyết áp cũng ảnh hưởng đến trọng lượng thai nhi và cần được chữa trị sớm.

Giảm căng thẳng và tạo tâm lý thoải mái trong thời gian mang thai: Mẹ nên thường xuyên thực hành bài tập hít thở thoải mái và giảm căng thẳng vì stress là một trong những nguyên nhân chính khiến thai nhi bị nhẹ cân. Hãy ngồi thoải mái và hít thở sâu bằng mũi sau đó thở tất cả không khí ra qua miệng. Trong khi thở, dạ dày của bạn sẽ co bóp giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi.

Kiểm tra răng miệng thường xuyên: Răng miệng của mẹ bầu có vấn đề cũng ảnh hưởng đến trọng lượng của thai nhi. Mẹ nên đi khám răng tại các phòng khám nha khoa ít nhất 2 lần/năm hoặc bất cứ lúc nào mẹ có vấn đề về răng miệng. Sâu răng và bệnh ở nướu răng có thể gây nhiễm trùng, trực tiếp ảnh hưởng đến nhau thai qua máu của bạn.

Ngừng ngay việc hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc: Đây là việc cấm kị đầu tiên bạn phải thực hiện ngày từ khi có ý định sinh con. Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân. Theo các nhà nghiên cứu, nguy cơ sinh con nhẹ cân tăng gấp đôi ở những người phụ nữ hút thuốc lá. Người mẹ cần phải ngừng việc hút thuốc trong suốt thời gian mang thai và cho con bú sau này nữa.

Bổ sung vitamin: Bổ sung đầy đủ vitamin trước khi sinh để đảm bảo cho mẹ và thai nhi được hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Những chất dinh dưỡng thiết yếu nhất là: Axit folic, sắt và canxi.

Tránh sử dụng thuốc bữa bãi và uống rượu: Việc người mẹ sử dụng rượu và thuốc kháng sinh trong thời gian mang thai cũng làm tăng nguy cơ sinh con có trọng lượng thấp.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống hợp lí và khỏe mạnh khi mang thai giúp thai nhi phát triển cân nặng đạt mức tiêu chuẩn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nên bổ sung đủ 100 - 300 calo mỗi ngày. Ăn nhiều rau, trái cây, sữa ít chất béo, protein nạc như thịt gà, thịt bò và các loại chất béo không bão hòa như dầu oliu rất tốt cho thai phụ. Mẹ cũng nên tránh những loại thực phẩm chiên, thực phẩm nhiều muối, đường và chất béo.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video được xem nhiều nhất: [mecloud]o1kQf3lhzm[/mecloud]