Dòng sự kiện:

Thay đổi "từng centimet" ở đường sinh khi thai phụ chuyển dạ

16:00 18/10/2015
Trong quá trình chuyển dạ đẻ, đường sinh của người mẹ có nhiều sự thay đổi từ trước khi bắt đầu chuyển dạ cho tới khi em bé được sinh ra.

 

 

 Chuyển dạ là giai đoạn cuối cùng để kết thúc thời kỳ thai nghén. Đây là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất đối với sức khoẻ và tính mạng của mẹ và con. Do đó cần phải chẩn đoán chính xác và theo dõi sát chuyển dạ để hạn chế các tai biến xảy ra trong chuyển dạ.

Trong quá trình chuyển dạ đẻ, đường sinh của người mẹ có nhiều sự thay đổi từ trước khi bắt đầu chuyển dạ cho tới khi em bé được sinh ra.



Sự thành lập đoạn dưới


Đoạn dưới chính là eo tử cung, đoạn dưới được hình thành dần trong giai đoạn cuối của thời kỳ thai nghén. Khi được thành lập hoàn toàn đoạn dưới có chiều cao 10 cm, và có hình chỏm cầu mặt lõm quay lên trên ôm lấy ngôi thai, mặt lồi khớp với khung chậu và thông với lỗ trong cổ tử cung.

Về cấu tạo: lớp phúc mạc đoạn dưới bám vào lớp cơ qua một lớp liên kết lỏng lẻo dễ bóc tách, vì vậy người ta thường mổ lấy thai ở đoạn dưới. ở đoạn dưới chỉ có hai lớp cơ, đây là phần mỏng nhất và dễ bị vỡ nhất khi chuyển dạ.

Sự xoá mở cổ tử cung


Xoá: khi chưa chuyển dạ cổ tử cung là một ống hình trụ, đầu trên là lỗ trong cổ tử cung, đầu dưới là lỗ ngoài cổ tử cung. Xoá là hiện tượng đường kính lỗ trong cổ tử cung rộng dần ra trong khi lỗ ngoài chưa thay đổi. Như vậy cổ tử cung biến đổi từ hình trụ thành hình chóp cụt. Khi cổ tử cung xoá hết thì cổ tử cung cùng với đoạn dưới thành lập ống cổ – đoạn dưới.
Mở: là hiện tượng lỗ ngoài cổ tử cung giãn rộng ra. Khi cổ tử cung xoá hết, lỗ ngoài cổ tử cung mở 1cm, đến khi mở hết là 10cm. Lúc đó tử cung thông thẳng với âm đạo và thành lập ống cổ – đoạn – âm đạo còn gọi là ống đẻ.
Thời gian xoá mở cổ tử cung diễn ra không đều. Trong giai đoạn đầu (Ia) từ khi cổ tử cung xoá đến khi mở được 4cm mất 8 – 10 giờ. Giai đoạn sau (Ib) từ khi cổ tử cung mở 4cm đến mở hết mất 4 – 6 giờ, Tốc độ trung bình 1cm/ giờ.

Sự xoá mở cổ tử cung nhanh hay chậm phụ thuộc vào các yếu tố:
-  Đầu ối đè vào cổ tử cung nhiều hay ít.
-  Cơn co tử cung có đồng bộ và đủ mạnh hay không.
-  Tình trạng cổ tử cung: dầy cứng, sẹo xơ cũ. . .
Giữa người con so và con rạ có sự khác biệt về hiện tượng xoá mở cổ tử cung. Ở người con so cổ tử cung xoá hết rồi mới mở và đoạn dưới tử cung thành lập từ những tháng cuối của thời kỳ thai nghén. Còn ở người con rạ, cổ tử cung vừa xoá vừa mở và đoạn dưới chỉ thành lập khi mới bắt đầu chuyển dạ. Thời gian mở cổ tử cung ở ngời con rạ nhanh hơn so với người con so, tốc độ mở tối đa tới 5 -7 cm/ giờ.

Thay đổi ở đáy chậu và tầng sinh môn


Do áp lực của cơn co tử cung ngôi thai xuống dần trong tiểu khung, áp lực của ngôi thai đẩy dần mỏm xương cụt ra phía sau, đường kính mỏm cụt – hạ vệ thay đổi từ 9,5cm thành 11cm bằng đường kính mỏm cùng – hạ vệ. Sức cản của các cơ phía tầng sinh môn sau đẩy ngôi thai hướng ra phía trước.

Tầng sinh môn trước phồng lên, vùng hậu môn, âm hộ dài ra có thể lên tới 12 – 15cm. Do tác dụng của cơn co tử cung và cơn co thành bụng, tầng sinh môn sau bị ngôi thai đè vào giãn dài ra, lỗ hậu môn mở rộng xoá hết các nếp nhăn. Âm môn mở rộng, thay đổi hướng dần dần nằm ngang.

Chuyển dạ đẻ là một hiện tượng sinh lý bình thường mà mỗi người phụ nữ làm mẹ đều phải trải qua trong quá trình sinh con. Tuy là vấn đề sinh lý nhưng một cuộc chuyển dạ đẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy mỗi người mẹ cần tìm hiểu kỹ những thay đổi của bản thân trong quá trình đẻ để cuộc vượt cạn được diễn ra thuận lợi.

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam