Dòng sự kiện:

"Trăm hại không có 1 lợi" việc chọn giờ tốt để "vượt cạn"

18:11 28/10/2015
Bản thân nhiều chuyên gia y tế đều đồng ý rằng, việc can thiệp thai nhi sớm, chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai cũng như đứa trẻ sau này và đương nhiên cả người mẹ nữa.

 

 

Ở nước ta, xu hướng các bà mẹ chọn mổ lấy thai trước ngày dự sinh trong những năm gần đây gia tăng đáng kể. Điều đáng nói, lý do của những ca mổ lấy thai này không xuất phát từ các trường hợp cấp bách hoặc do tình trạng sức khỏe bất ổn của thai phụ và thai nhi mà đến từ các ý muốn mang tính tâm linh.


Những ca đẻ mổ theo yêu cầu để lấy ngày đẹp, giờ đẹp càng tăng cao.

Theo số liệu có được từ một cuộc khảo sát trên địa bàn Hà Nội, trong số 423 bà mẹ đã qua sinh nở, có khoảng 30% chọn sinh mổ. Trong đó, 16,7% mổ lấy thai do áp lực từ phía gia đình và hơn 14% sinh mổ vì mong muốn của bản thân. Một số liệu thống kê khác cho thấy, ở đồng bằng sông Cửu Long, trong những thời điểm nhất định của năm luôn có số ca sinh mổ tăng đột biến, chiếm đến 60% số ca sinh.

Tuy nhiên hiện nay dù chưa có những con số thống kê cụ thể, nhưng có thể thấy ở bệnh viện tỷ lệ sinh mổ khá nhiều, trong đó có nhiều trường hợp yêu cầu được sinh mổ theo ngày, giờ tốt họ đã chọn. Dưới góc độ y học, theo BS. Vũ Văn Phi, có thể tiến hành các ca mổ đẻ trước từ mấy tuần tuổi, miễn sao đảm bảo theo tiêu chuẩn, chỉ định của ngành Y.


Bản thân nhiều chuyên gia y tế đều đồng ý rằng, việc can thiệp thai nhi sớm, chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai cũng như đứa trẻ sau này và đương nhiên cả người mẹ nữa. Theo đó, dù nguyên nhân nào thì việc đứa trẻ chào đời do không được ra bằng đường tự nhiên (trẻ không đi qua ống âm đạo, phổi không bị ép để tống xuất các chất dịch) nên dạ dày và phổi có thể vẫn còn nước ối. Sự tồn ứ dịch trong phổi trẻ làm tăng nguy cơ suy hô hấp, gây bệnh màng trong. Đây là các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.

Vì vậy, trước khi đề nghị chọn ngày giờ sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ những ích lợi và tác hại của nó, lắng nghe những phân tích của bác sĩ. Nếu bác sĩ không chỉ định mổ lấy thai, sản phụ nên sinh con theo cách tự nhiên. Trái với tự nhiên…

Nguy cơ cho mẹ khi sinh “ép”


Sự chuyển dạ của người mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hoóc-môn giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hoóc-môn cần thiết để đối phó với những stress đầu đời nên rất yếu. Nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến những biến chứng cho người mẹ lần mang thai sau, nhất là nguy cơ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung ở mẹ, nhau thai bám vào vết mổ cũ... rồi lần sinh con sau hầu như đều phải mổ, quá trình mang thai sau cũng phải theo dõi sát sao, căng thẳng hơn.

Nguy cơ về vấn đề thần kinh


Nguy cơ các bệnh thần kinh nghiêm trọng mà một đứa trẻ sinh non trước 37 tuần có thể phải gánh chịu bao gồm: tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm… Các chuyên gia nhận thấy những đứa trẻ sinh trước 32 tuần có nguy cơ bị tâm thần phân liệt cao hơn những trẻ khác gấp hai lần. Ngoài ra, nguy cơ mắc trầm cảm của những trẻ này cũng cao hơn gấp 3 lần và nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực cao gấp 7 lần khi đem so sánh với những đứa trẻ được sinh đủ tháng. 

Bởi các chuyên gia cho rằng vào giai đoạn cuối thai kỳ, não bộ thai nhi đạt tốc độ hoàn thiện thần tốc, cả thể tích não và lượng chất xám được phát triển trong giai đoạn này cũng rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, khi ra ngoài quá sớm, cũng đồng nghĩa trẻ mất đi khoảng thời gian vàng để tăng tưởng về não bộ. Đó là lý do vì sao trẻ dễ mắc các bệnh về thần kinh và thường có trí tuệ kém hơn. 

Nguy cơ chậm tiếp thu và nhận thức

Một nghiên cứu tiến hành trên 128.000 trẻ em Mỹ được sinh ra từ tuần thứ 37 đến tuần 41 với 15% trường hợp sinh mổ cho thấy các bé sinh trước tháng thường gặp trở ngại trong việc đọc, viết và tính toán hơn các trẻ còn lại. Thêm vào đó, nguy cơ mắc bệnh của các trẻ sinh non cũng luôn cao và nghiêm trọng hơn. Và đây thực sự là một báo động để các mẹ bầu cân nhắc lại quyết định mổ bắt thai của mình. Như vậy, trong rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới đều ghi nhận trẻ được sinh đủ tháng luôn có trí não phát triển tốt hơn, nhờ đó kết quả học tập rất tốt. 

Nguy cơ nhiễm bệnh cao


Theo cơ chế sinh trưởng tự nhiên, từ sau tuần 37, phổi của thai nhi sẽ bắt đầu giai đoạn phát triển mạnh để sẵn sàng cho các hoạt động độc lập sau khi chào đời. Như vậy, một khi lá phổi chưa hoàn thiện này phải buộc hoạt động quá sớm, nguy cơ suy hô hấp là điều khó tránh khỏi. Trẻ sinh thiếu tháng lại thường nhẹ cân, thân nhiệt mất cân bằng và giảm sức đề kháng. Đây chính là những nguồn căn của mọi căn bệnh nguy hiểm cả đến tính mạng của trẻ. 

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam