Dòng sự kiện:

Trẻ nhỏ bú tay, cắn móng tay ít bị dị ứng khi trưởng thành?

03:42 18/07/2016
Trẻ nhỏ có thói quen mút tay hay cắn móng tay ít có nguy cơ bị các bệnh dị ứng ở da khi trưởng thành, theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học New Zealand.

Liên quan đến việc trẻ nhỏ bú tay, cắn móng tay ít bị dị ứng khi trưởng thành có đúng không, các nhà khoa học thuộc Đại học Otago (New Zealand) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận ủng hộ lý thuyết cho rằng trẻ nhỏ tiếp xúc với vi trùng từ sớm sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị các bệnh dị ứng về da khi trưởng thành, theo AFP ngày 12/7.

Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí khoa học Pediatrics (Khoa nhi, Mỹ) ghi nhận thói quen mút tay và cắn móng tay của 1.037 trẻ em khi chúng ở độ tuổi 5, 7, 9 và 11.

Các nhà khoa học sau đó tiến hành kiểm tra da của những đứa bé này khi được 13 và 32 tuổi. Họ phát hiện 49% trong số trẻ 13 tuổi không mút tay hoặc cắn móng tay dương tính với ít nhất một căn bệnh dị ứng, so với 38% trẻ có một trong số hai thói quen này.
Mức độ bị bệnh dị ứng giảm xuống 31% đối với những trẻ có thói quen vừa mút tay, vừa cắn móng tay.

Bú tay chưa hẳn là thói quen xấu Ảnh: HEALTHDAY NEWS

Kết quả tương tự đối với những người 32 tuổi, không tính đến những yếu tố như di truyền, được nuôi bằng sữa mẹ hay trong nhà có nuôi thú cưng.

Ông Bob Hancox, trưởng nhóm nhiên cứu, nói: “Chúng tôi phát hiện rằng việc tiếp xúc sớm với vi trùng giúp trẻ hạn chế nguy cơ bị các bệnh dị ứng sau này”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học này lại cảnh báo phụ huynh không nên khuyến khích con trẻ hình thành thói quen mút tay và cắn móng tay, vì họ chỉ có thể tìm thấy chứng cứ cho thấy trẻ mút tay và cắt móng tay ít nguy cơ bị bệnh dị ứng về da, chứ không phải tất cả các loại bệnh dị ứng.

“Chúng tôi không khuyến kích trẻ em hình thành thói quen mút tay và cắn móng tay, bởi vì không có chứng cứ rõ ràng cho thấy hai thói quen này thật sựcó lợi cho sức khỏe”, các nhà khoa học New Zealand cảnh báo trong nghiên cứu của họ.