Dòng sự kiện:

Trẻ say nắng, cha mẹ cần làm gì?

15:50 01/07/2016
Trẻ say nắng trong mùa hè oi bức là chuyện có thể xảy ra, cha mẹ cần biết những cách sơ cứu khi trẻ gặp trường hợp này.
Say nắng có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả với trẻ nhỏ, khi mà thời tiết nóng bức kéo dài cộng với việc nhiệt độ trong nhà và ngoài trời thay đổi đột ngột. 

Khi ra ngoài trời nắng, nếu trẻ không được trang bị dụng cụ chống nắng đúng cách hoặc trẻ có thể lực yếu, trẻ rất dễ bị say nắng.

Trẻ say nắng trong mùa hè oi bức là chuyện có thể xảy ra, cha mẹ cần biết những cách sơ cứu khi trẻ gặp trường hợp này. Ảnh minh họa

Trẻ say nắng sẽ có những triệu chứng sau:

- Mệt mỏi, mắt lờ đờ.

- Cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt lên đến 41oC.

- Trẻ than đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.

- Trẻ có giác buồn nôn, ói mửa.

- Một số trẻ có thể bị ngất xỉu.

- Nhịp thở yếu, nhanh.

- Mạch nhanh yếu, khó bắt hoặc thậm chí không bắt được mạch.

- Trường hợp say nắng nặng, trẻ sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật.

Cha mẹ phải làm gì khi trẻ bị say nắng?

Nếu trẻ có những dấu hiệu bị say nắng, cha mẹ cần làm ngay những điều sau đây:

- Đưa trẻ vào chổ râm mát hoặc nơi mát mẻ, cởi bớt quần áo chật sát người, đặt trẻ nằm đầu cao

- Lau mặt và ngực trẻ bằng nước mát, đầu đặt khăn lạnh, có thể chườm lạnh hoặc dùng khăn thấm nước lạnh để chườm đầu.

- Phải cho trẻ uống thật nhiều nước khi trẻ còn tỉnh táo

- Nếu trẻ bị mất trí giác, cần cho trẻ hút dung dịch amoniac (bông thấm dung dịch amoniac phải đặt cách mũi trẻ không dưới 10 cm)

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu

Phòng ngừa hiệu quả chứng say nắng ở trẻ

- Nên cho trẻ uống nhiều nước khi đi ra ngoài trời nắng nóng vì trẻ sẽ bị đổ mồ hôi nhiều và cơ thể rất dễ bị mất nước. Trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Những trẻ phải luyện tập thể lực hoặc tham gia các trò chơi vận động ngoài trời thì lượng nước mất sẽ nhiều hơn như vậy cần cho trẻ uống nước ngay cả khi trẻ chưa cảm thấy khát.

- Hạn chế tối đa việc cho trẻ đi ra ngoài đường trong giờ nắng nóng cao điểm từ 11h - 4h chiều. Và khi đi ra nắng, hãy đảm bảo toàn cơ thể của trẻ cần được che nắng kín đáo như mặc áo dài tay, quần dài cho trẻ, đeo khẩu trang và đội mũ rộng vành cho trẻ để hạn chế tác hại sức nóng của ánh nắng mặt trời.

- Cần tránh đột ngột sự tiếp xúc với nắng nóng. Không nên để trẻ quá gắng sức khi luyện tập thể lực hoặc chơi đùa ngoài nắng. Khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, ra mồ hôi quá nhiều nên khẩn trường đưa trẻ vào chỗ râm mát để nghỉ ngơi.

- Mặc cho trẻ quần áo thoáng, mát, màu nhạt để dễ thấm mồ hôi và thoát nhiệt, và giúp tránh hấp thụ nhiệt từ môi trường.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam