Dòng sự kiện:

Trẻ sơ sinh hay nấc cụt là bị bệnh gì?

21:08 14/01/2016
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh không hề nguy hiểm như các mẹ vẫn hay tưởng tượng.

 

 

 

 [mecloud]pOQnWkV0eC[/mecloud]
Chào bác sĩ,

Bé Dâu Tây nhà em mới chưa đầy 3 tháng tuổi nhưng dạo này có biểu hiện hay bị nấc cụt, bé nấc thường xuyên kể cả khi em cho bé bú no hoặc lúc bé đói.

Sau một lúc bị nấc bé cũng tự khỏi nhưng em lo quá. Không biết liệu bé có bị bệnh gì không? Và có cách nào chữa nấc cụt cho bé chứ nhìn bé nấc cụt nhiều mệt quá. Cảm ơn bác sĩ.

----

Chào mẹ Dâu Tây, cảm ơn mẹ đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi.

Mẹ Dâu Tây thân mến,

Nấc cụt là hiện tượng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Kể cả người lớn đôi khi cũng thường hay nấc cụt đó thôi.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, làm cho khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín lại.

Ảnh minh họa.

Nấc thường kéo dài vài phút và có thể vài lần trong một ngày. Nấc là phản xạ của thần kinh phế vị được hình thành từ trong bào thai để chuẩn bị vận hành các cơ hô hấp cho việc thở ngay sau khi trẻ được sinh ra.

Mọi trẻ sơ sinh khoẻ mạnh đều có thể bị nấc vào bất cứ lúc nào, nhất là sau sinh và giảm dần sau một tuổi. Nấc thường xảy ra sau khi ăn, thay đổi tư thế, khi bị nóng, lạnh…

Nếu trẻ bị nấc mỗi ngày vài lần, mỗi lần 3 phút là bình thường không cần khám và điều trị gì, dần dần tình trạng này sẽ hết.

Để giảm nấc, không nên cho bé ăn khi bé bị đói quá, và cũng không nên cho ăn hoặc bú quá no, khi cho bé bú bằng bình cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh làm dạ dày dãn nhiều hơi. Sau khi ăn nên bế trẻ đầu cao khoảng 10 phút.

Khi bé bị nấc cụt, mẹ có thể áp dụng vài mẹo nhỏ sau:

- Làm bé phân tâm

Cũng giống như người lớn, trò chơi và đồ chơi có thể giúp bé phân tâm và tạm thời quên đi cơn nấc cụt. Mẹ có thể chơi ú òa, cho bé cầm đồ xúc xắc hoặc ngậm thứ gì đó.

- Mát-xa lưng bé

Xoa bóp nhẹ nhàng lưng bé sẽ giúp các cơ, gân của bé được thả lỏng, nhờ đó mà cơ hoành cũng được thư giãn. Mát-xa nên kéo dài vài phút, theo hướng thẳng đứng, từ dưới lên trên vai và sẽ hiệu quả nhất khi bé đang ngồi thẳng.

- Cho bé nếm đường

Mẹ có thể đặt một chút đường lên lưỡi bé cho bé ngậm trong khoảng vài phút. Vị ngọt của đường có tác dụng đưa cơ hoành về trạng thái bình thường và có thể làm hết nấc.

- Thay đổi tư thế cho bé bú

Đôi khi bé nuốt quá nhiều không khí trong khi bú, dẫn đến hiện tượng nấc cụt. Vì vậy mẹ cần thay đổi tư thế trong khi bé bú để hạn chế lượng không khí chiếm chỗ ở trong dạ dày của bé. Ngoài ra, nếu bé bị nuốt quá nhiều không khí vào dạ dày, hãy cho bé bú với tư thế ngồi thẳng đứng.

Cảm ơn và chúc bé Dâu Tây nhà bạn khỏe mạnh!

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video hot:  [mecloud]n7cn8XNbYj[/mecloud]