Dòng sự kiện:

Vệ sinh "cậu nhỏ" cho bé trai đúng cách đề phòng vô sinh

18:01 22/06/2016
Hầu hết các bé trai chỉ được vệ sinh "cậu nhỏ" hàng theo cách đơn giản, điều đó là hoàn toàn không đúng dẫn đến hậu quả khôn lường.

Các bà mẹ thường chỉ quan tâm đến việc vệ sinh "vùng kín" cho bé gái khi tắm, mà quên rằng, bé trai cũng cần được làm điều đó.

Hầu hết các bé trai chỉ được vệ sinh "cậu nhỏ" hàng theo cách đơn giản là cọ rửa sơ sơ bên ngoài, điều đó là hoàn toàn không đúng dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Chị Mai ở Cầu Giấy - Hà Nội chia sẻ, gần đây cậu con trai gần 2 tuổi cứ hay khóc mỗi khi đi tiểu, đặc biệt là việc đi tiểu của cậu bé ngày càng khó khăn hơn.

Không yên tâm về con, chị đưa con đi khám thì được bác sĩ kết luận bé bị viêm đường tiết niệu. Nguyên nhân do chị không có thói quen vệ sinh "cậu nhỏ" con trai hàng ngày, vì cứ nghĩ rằng khi tắm thì chỉ cần kỳ cọ sơ sơ bên ngoài như các bộ phận khác trên cơ thể là được.

Các bà mẹ thường chỉ quan tâm đến việc vệ sinh "vùng kín" cho bé gái khi tắm, mà quên rằng, bé trai cũng cần được làm điều đó. Ảnh minh họa

Trường hợp của con trai nhà chị Mai không phải là cá biệt, đây cũng là sai lầm của hầu hết các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Mới đây, trong “Chương trình sàng lọc các chỉ số phát triển, sàng lọc khiếm thính, sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ trai tuổi đầu đời tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận năm 2016” vừa được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức thực hiện hồi tháng 5 vừa qua.

Theo đó, qua sàng lọc nhằm phát hiện các bất thường ở bộ phận sinh dục ở bé trai tuổi đầu đời (thực hiện thăm khám tại 35 trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm), kết quả cho thấy, tổng số trẻ tham gia sàng lọc là 2675 trẻ, trong đó chỉ có 1023 trẻ phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.

Đặc biệt, trong số 1187 trẻ cần can thiệp chuyên khoa này thì có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt. Lý do vì 56 trẻ này thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.

Ngoài vấn đề bộ phận sinh dục của trẻ bị viêm nhiễm dẫn đến việc có nguy cơ vô sinh do vấn đề vệ sinh, thì còn rất nhiều lý do khác như: hẹp bao quy đầu, thiếu tinh hoàn, thậm chí có trẻ thiếu cả hai bên nhưng phụ huynh không biết, cũng bởi cha mẹ không quan tâm đến việc vệ sinh kỹ vùng kín cho con, nên không phát hiện ra khiếm khuyết của con mình.

Lại nói về trường hợp nhà chị Mai, sau khi đưa con đi thăm khám bác sĩ, ngoài việc được kê đơn thuốc điều trị viêm nhiễm cho cậu bé, chị Mai được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc vùng kín cho con để phòng tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, chị Mai cũng được các bác sĩ lưu ý, trong quá trình vệ sinh "vùng kín" cho con, tuyệt đối không sử dụng bông tăm, thuốc diệt khuẩn hoặc dội nước mạnh vào bao quy đầu của con, tránh việc tổn thương và gây nhiễm trùng bộ phận sinh dục của con.

Chị Mai cũng được dặn dò, dùng nước muối sinh lý để rửa sạch cặn bẩn bám ở “cậu nhỏ” của con mỗi tuần một lần, để phòng tránh viêm nhiễm hoặc tắc đường tiểu của bé.

Mai Nguyên 

Nguồn: Gia đình Việt Nam