Dòng sự kiện:

10 lời khuyên giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ bị bắt cóc

Bright Side/VNE
10:11 05/05/2017
Không dán tên trẻ lên balo, sáng tạo mật khẩu gia đình hay dạy trẻ tránh đi thang máy chung với người lạ là những việc thiết thực nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
 

1. Không tiết lộ tên trẻ trên vật dụng cá nhân

Đừng gắn bảng tên vào balo của con hay viết tên con lên hộp cơm trưa bởi người lạ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin cá nhân theo cách đó. Khi nói chuyện với một đứa trẻ bằng tên của chúng, người lạ dễ chiếm sự tin tưởng của trẻ và dẫn đến các hành động nguy hiểm khác. Tốt hơn hết, bạn nên viết số điện thoại của mình để được liên hệ khi bị mất.

2. Chạy theo hướng ngược lại với ôtô

Chúng ta dạy trẻ không bước lên ôtô với người lạ, điều đó rất quan trọng. Nhưng trẻ nên học thêm một quy tắc nữa. Nếu một chiếc xe tiến gần hoặc bắt đầu đi theo và những người bên trong xe cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ, hãy chạy nhanh theo hướng ngược lại với chuyển động của xe. Điều này sẽ giúp trẻ "câu giờ" để tìm kiếm sự giúp đỡ.

3. Sáng tạo mật khẩu gia đình

Nếu ai đó nói với trẻ "Đi với cô nào. Cô sẽ đưa cháu đến chỗ bố mẹ!". Điều đầu tiên trẻ nên làm là hỏi người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu của gia đình cháu là gì?". Hãy sáng tạo ra một cụm từ chỉ gia đình biết và dặn con học thuộc cho những tình huống khẩn cấp.

4. Cài ứng dụng theo dõi

Nhờ công nghệ ngày càng tiên tiến, bạn có thể dễ dàng giám sát vị trí của trẻ và mức pin điện thoại của chúng bằng cách tải ứng dụng phù hợp.

5. Đeo đồng hồ có nút bấm khẩn cấp

Các thiết bị có nút khẩn cấp có thể là đồng hồ, dây chìa khóa, vòng tay hoặc huy hiệu. Phụ huynh có thể liên tục theo dõi vị trí của con bằng ứng dụng di động. Nếu đứa trẻ bấm nút, tín hiệu sẽ được chuyển tới phụ huynh hoặc cảnh sát.

6. Hét lên "Tôi không biết ông ấy!"

Hãy dặn trẻ rằng khi bị người lạ lôi đi, cư xử khiếm nhã sẽ có ích hơn. Trẻ có thể cắn, đá hay hét lên để thu hút sự chú ý của mọi người bằng bất cứ giá nào.

7. Ngừng cuộc trò chuyện và giữ khoảng cách

Trẻ cần biết không bắt buộc phải nói chuyện với người lạ. Do đó, nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn 5-7 giây, tốt nhất hãy rời khỏi đó và đi đến một địa điểm an toàn. Trong suốt cuộc trò chuyện, trẻ nên đứng ở một khoảng cách nhất định, nếu người lạ mặt cố gắng xích lại gần hơn, hãy bước lùi lại. Phụ huynh nên thực hành tình huống này với trẻ để chỉ rõ khoảng cách cần thiết.

8. Tránh đi chung thang máy với người lạ

Bạn nên dạy con đứng đợi thang máy bằng cách dựa lưng vào tường để có thể nhìn thấy bất cứ ai đến gần. Nếu là người lạ hoặc ít quen biết với gia đình, trẻ có thể nghĩ ra mọi lý do để không đi thang máy với người đó. Lựa chọn tốt nhất là giả vờ quên thứ gì đó, đi kiểm tra hộp thư hay cho biết đang đợi bố mẹ. Nếu người lạ tiếp tục rủ vào chung thang máy, trẻ nên trả lời lịch sự "Bố mẹ cháu dặn chỉ nên đi thang máy một mình hoặc với hàng xóm thôi". Khi bị kéo vào trong thang máy, trẻ cần cắn và hét lên cho tới khi có người lớn xuất hiện.

9. Không để người lạ biết bố mẹ không có nhà

Nếu có người gõ cửa hoặc bấm chuông, nhưng không nhìn thấy ai qua lỗ ở cửa hay không ai trả lời khi được hỏi "Ai đó?", trẻ nhất định không được mở cửa dù chỉ vì tò mò xem chuyện gì đang xảy ra. Ngoài ra, trẻ không được cho người lạ biết bố mẹ không có nhà, ngay cả khi người lạ nói là bạn của họ hay thợ sửa ống nước. Nếu người lạ rất dai dẳng và bắt đầu cố gắng đột nhập vào nhà, trẻ phải cùng lúc gọi cho bố mẹ và hàng xóm.

10. Không gặp người lạ quen qua mạng

Bạn cần cảnh báo trẻ rằng tội phạm hiện nay có thể tìm kiếm "con mồi" qua Internet, do đó một người bạn qua mạng cũng có thể nói dối về độ tuổi của mình. Trẻ không được phép nói với người lạ, dù họ tự xưng là trẻ con về địa chỉ, số điện thoại và tên tuổi, gửi ảnh cá nhân hay kể về địa điểm thường lui tới. Đồng thời, trẻ nên từ chối mọi lời mời gặp mặt trực tiếp từ người bạn quen qua mạng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam