Cách trị mầm mống bắt nạt từ tuổi mẫu giáo
“Cách đây không lâu, ý tưởng một đứa trẻ mẫu giáo có thể trở thành kẻ bắt nạt đối với tôi thật điên rồ. Nhưng quan điểm của tôi đã thay đổi khi con trai Nicky lên 4. Các bé trai thường đuổi các bé gái quanh lớp và cấu véo chỉ để cho vui. Tuy nhiên, một cậu bé hung hăng trong lớp Nicky hay đấm bạn bè rất mạnh, một lần tôi thấy nó đá đứa trẻ đang chơi cùng chiếc xe mà nó thích. Giáo viên mất rất nhiều thời gian khiển trách cậu bé này và giải thích hành động nào là tốt, nhưng các thái độ đe dọa vẫn tiếp diễn. Nicky buộc phải học cách tránh xa cậu bé đó”, Stacey Colino (Mỹ) chia sẻ trên Parents Magazine.
Đó chỉ là sự khởi đầu. Ở trường mẫu giáo, Nicky có vài người bạn luôn làm phiền mọi người vào giờ giải lao. Mùa đông năm ngoái, một cậu bé khác trong lớp muốn tìm cách cắt tóc bạn gái bằng dao. Hiệu phó sau đó phải họp riêng từng lớp, yêu cầu giáo viên đảm bảo mọi đứa trẻ có quyền cảm thấy an toàn ở trường.
Những ví dụ này nghe có vẻ cực đoan, nhưng thực tế đây là chuyện ngày càng phổ biến. Hành động cố ý gây hại cho người khác thông qua quấy rối bằng lời nói, hành hung (đánh, đá, cắn) hoặc cô lập một đứa trẻ khỏi một nhóm từng là điều phụ huynh không lo lắng khi trẻ chưa bước vào tuổi thanh thiếu niên. Giờ đây, nạn bắt nạt xuất hiện ở cả lứa mẫu giáo. Vài nghiên cứu chỉ ra trẻ độ tuổi 2-6 còn bắt nạt nhau nhiều hơn học sinh lớn tuổi.
“Trẻ nhỏ đang bắt chước hành vi hung hăng mà chúng nhìn thấy trên các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, hoặc từ các anh chị lớn tuổi”, tiến sĩ Susan Swearer, đồng tác giả cuốn Phòng chống và can thiệp nạn bắt nạt cho biết.
Bắt nạt học đường đã trở thành đại dịch. Một nghiên cứu công bố trên Journal of School Health cho thấy 19% học sinh tiểu học ở Mỹ bị bắt nạt. Mỗi ngày, hơn 160.000 trẻ em Mỹ không đến trường vì sợ hãi khi là nạn nhân, theo khảo sát của Hiệp hội Giáo dục quốc gia.
Việc bị bắt nạt có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ, dẫn đến học kém, lòng tự trọng thấp, hay lo lắng và thậm chí trầm cảm. Những đứa trẻ bị bắt nạt khi còn nhỏ dễ gặp phải vấn đề tâm lý nặng nề hơn. Một nghiên cứu của trường Y khoa thuộc Đại học Washington nhận định trẻ mẫu giáo có xu hướng rơi vào trạng thái buồn rầu hơn 80% thời gian trong ngày nếu bị bắt nạt.
Tại sao trẻ muốn làm đau người khác?
Ranh giới giữa hành động vô tư, ích kỷ và bắt nạt thực sự rất mong manh. Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng một đứa trẻ đi quá giới hạn khi hành động của nó là cố ý và diễn ra thường xuyên. Tại sao một số trẻ muốn làm tổn thương người khác về thể chất hoặc tinh thần? Tiến sĩ W. Michael Nelson, đồng tác giả cuốn sách về kiểm soát cơn giận khẳng định, trẻ thiếu sự đồng cảm và muốn thống trị kẻ khác sẽ sử dụng việc bắt nạt để đạt được mục đích.
Trẻ mẫu giáo đang nắm các kỹ năng xã hội cơ bản và tìm cách quản lý cảm xúc của chính mình, do đó các hành động cực đoan có thể là cách để chúng kiểm tra ranh giới về những gì được chấp nhận. “Trêu chọc là một phần trong tiến trình phát triển của trẻ nhỏ. Ở tuổi này, trẻ hành động ít có chủ ý và có nhiều khả năng dày vò bất kỳ ai ở xung quanh”, tiến sĩ Swearer nói.
Khi đi học mẫu giáo, trẻ bắt đầu nắm bắt khái niệm quyền lực xã hội giữa bạn bè cùng tuổi. Những đứa trẻ hung dữ chủ động nhắm vào người khác mà chúng cho là dễ tổn thương - nhút nhát, nhạy cảm, nhỏ bé hoặc khác biệt.
Giáo viên thường phản ứng khác với một kẻ bắt nạt tùy thuộc vào độ tuổi. Ở trường mẫu giáo, họ cố gắng truyền đạt một cách nhẹ nhàng. Nhưng ở trường tiểu học, họ nhấn mạnh hơn nhằm hướng tới bảo vệ nạn nhân. Việc cải tạo một đứa trẻ chuyên bắt nạt người khác không bao giờ là quá muộn, nhưng cần định hướng cách giải quyết xung đột để trẻ tự tin khi lên cấp học cao hơn.
Trong khi giáo viên cố gắng làm những gì tốt nhất để kiểm soát nạn bắt nạt, họ không thể luôn luôn canh chừng và ngăn chặn nó. Những người quản lý trường học thậm chí không biết rằng nạn bắt nạt đang diễn ra. Do đó, bố mẹ đóng vai trò chính trong việc giúp con đi đúng hướng.
Kiểm soát hành vi của trẻ
Khi trẻ là mối đe dọa đối với bạn bè, phụ huynh cần hành động ngay lập tức, không chỉ vì lợi ích của các nạn nhân mà còn để ngăn chặn hành vi này từ trứng nước.
Nếu chưa khẳng định được con có phải kẻ bắt nạt hay không, bạn nên theo dõi các dấu hiệu cảnh báo. Thông thường, trẻ bắt nạt hay bốc đồng và rất nhanh nổi giận, thích kết thân với những đứa trẻ có tính cách tương tự, giải tỏa cảm xúc bằng cách đánh hoặc xô đẩy người khác, thường gây rắc rối ở trường. Ở nhà, trẻ tranh cãi quyết liệt với anh chị em hoặc muốn giải quyết xung đột bằng vũ lực.
Trường hợp con có một hoặc nhiều biểu hiện trên, bạn hãy hướng dẫn con hít thở sâu hoặc đếm đến mười để kiềm chế cảm xúc tiêu cực. Nhiều phụ huynh thường chỉ can thiệp khi thấy con ở vị trí bị hại. Tuy nhiên, nếu phát hiện con gây đau đớn cho người khác, bạn hãy chặn hành động đó ngay lập tức, đưa con ra khỏi vị trí và nói về những việc nên làm khi ở tình huống tương tự.
Theo WikiHow, quát mắng không phải là cách tốt nhất để trị tận gốc vấn đề. Thông thường, việc bắt nạt luôn có nguyên nhân tiềm ẩn. Bằng cách trò chuyện với con, bạn có thể biết con đang bắt chước bố mẹ, ức chế vì từng bị bạn khác bắt nạt hay cảm thấy không còn cách nào khác nên mới đánh bạn để giành đồ chơi.
Bạn có thể tìm cơ hội để hỏi: “Mẹ thấy con không chơi với Charlie nữa. Con có muốn nói với mẹ về chuyện đó không?”. Sau đó, tùy thuộc vào phản ứng của trẻ, bạn tiếp tục giúp chúng nhận thức vấn đề bằng cách nói đơn giản: “Con nên biết bắt nạt bạn là sai. Con hãy thử kể một vài hành động được tính là bắt nạt để sau này tránh ra nhé”.
Bố mẹ hiểu rõ con hơn bất kỳ ai, do đó có thể đưa ra hình phạt hiệu quả nhất, linh hoạt trong từng trường hợp. Một số phụ huynh nhận ra nên quan tâm con nhiều hơn, điều chỉnh thái độ của con một cách từ từ sẽ mang lại kết quả như ý. Nhiều người khác lại thấy rằng bắt trẻ xin lỗi và cảm thấy xấu hổ vì việc đã làm mới là tốt nhất. Hình phạt cho đứa trẻ này chưa chắc hiệu quả khi áp dụng vào đứa trẻ khác, do đó mọi lời khuyên chỉ tham khảo. Quan trọng nhất, bạn không được bỏ qua hành vi xấu của con. Trẻ cần chịu trách nhiệm về việc đã làm.
Thông thường, trẻ chưa thể thay đổi chỉ sau một hai lần bị phạt. Bạn nên để mắt đến trẻ cho đến khi tin chắc việc bắt nạt đã ngừng lại và trẻ đang đối xử với người khác theo cách ôn hòa hơn.
Trường mẫu giáo là một xã hội thu nhỏ, trong đó trẻ không tham gia bắt nạt hoàn toàn có thể là người chứng kiến hành vi xấu này. Trẻ sẽ giúp nạn nhân, hùa vào với kẻ bắt nạt hay bỏ qua phụ thuộc vào tính cách và nhận thức. Phụ huynh đóng vai trò như một tấm gương soi chiếu cho cách hành xử của trẻ.
Hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ đưa con đi phát quà cho người vô gia cư, đăng ký cho cả nhà cùng tham gia thiện nguyện. Đây là một cách tốt để dạy con về sự đồng cảm, quan tâm người khác. Dù bạn chưa nhận ra ngay lập tức, trẻ đang bị ấn tượng bởi sự nghèo khó, thiếu thốn và có thể cảm thấy hối hận về hành động của mình.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Mỹ: Bỏ tù bố mẹ nếu con bắt nạt bạn bè
- Từng bước giúp con thoát khỏi nỗi ám ảnh bị bắt nạt
- Những 'vũ khí lợi hại' dành cho trẻ bị bắt nạt
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua