Dòng sự kiện:

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: Ước gì trẻ không phải học Văn như 'tra tấn'!

Phan Hồ Điệp
07:32 20/02/2017
Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ ước mơ của riêng mình về một ngôi trường tiểu học mà ở đó con trẻ viết văn không như "tra tấn", không phải ngồi nghe giảng răm rắp….

Bài viết của chị Phan Hồ Diệp đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, bởi đó cũng là trăn trở của nhiều vị phụ huynh và cả những thầy cô giáo, những người trong ngành giáo dục.

Bản thân mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng tùng là một giáo viên tiểu học, vì vậy chị thấu hiểu những vất vả của các cô giáo. "Những điều "mình ước" bên trên là mong chờ sự thay đổi của cả hệ thống chứ không phải đặt gánh nặng lên vai các cô. Nhưng có những việc nho nhỏ chỉ như là gợi ý, nếu các cô thấy phù hợp thì có thể áp dụng cho bọn học trò "siêu bắng nhắng", chị chia sẻ thêm.

Dưới đây là bài viết của chị Phan Hồ Điệp:

"Mình mơ một ngôi trường tiểu học mà ở đó:

Con trẻ viết văn không như tra tấn. Không cần có “mẫu” nào hết và cô dễ dàng chấp nhận điều đó. Trẻ không phải cảm thán: Con bắt đầu biết nói dối từ khi… học văn. Mỗi kì thi văn, cô không bắt phải học thuộc bài văn mẫu. Cô cũng đừng đo độ ngắn dài của bài viết để cho điểm…

Mình ước thi thoảng có buổi sáng nào đó, thầy/ cô hiệu trưởng sẽ ra ngoài cổng trường để đón học sinh rồi chào học sinh bằng một cách “đặc biệt” khiến cho đứa trẻ có thể bật cười.

Mình ước mỗi tháng có 1 ngày mà thầy cô sẽ trở thành người phục vụ. Như xuống mang đồ ăn trưa cho học sinh, mỉm cười, bông đùa với lũ trẻ siêu quậy.

Mình ước trong mỗi lớp cùng nhau có một bạn thú cưng ( bằng bông). Bạn đó sẽ được tham dự cùng mọi hoạt động của học sinh trong lớp. Và cứ đến ngày thứ bảy, chủ nhật, bạn ấy sẽ theo chân một bạn nhỏ về nhà. Và rồi bạn học sinh sẽ ghi lại nhật kí những việc mình đã làm với bạn thú cưng để thứ hai đến kể cho cả lớp nghe. Học văn từ những điều thú vị như thế.

Mình ước cô giáo không lấy việc học trò ngồi nghe giảng răm rắp là thành công của tiết học. Chúng có thể trao đổi, thảo luận thậm chí cãi cọ nhau về bài học.

Mình ước cô đừng mớm lời khi có người dự giờ. Đừng chỉ tập trung vào những bạn học lực tốt trong những giờ thi thố. Sự “hoàn hảo” luôn khiến mình e ngại.

Mình ước các thầy cô luôn quan tâm đến hoạt động đọc của học sinh. Trong các bài về nhà luôn có nhiệm vụ đọc- trình bày.

Mình ước ở mỗi ngôi trường, trẻ sẽ được học về trách nhiệm và sự tự trọng. Trẻ dành ra 20 phút mỗi ngày để tự dọn vệ sinh lớp học, cùng nhau trồng cây, cùng nhau đi dã ngoại, cùng nhau bàn về các con vật nuôi, cùng nhau tổ chức các cuộc thi thể thao, thi thuyết trình, thi đọc sách và ai cũng có thể là người chiến thắng. Các kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là nền móng, không khẳng định được về sự thành công và hạnh phúc của trẻ sau này.

Mình ước cô sẽ không quá bối rối trước những bạn “nghịch như điên”, không đau khổ với những bạn “chỉ ngồi yên một chỗ”, không chán nản với những bạn “chẳng có chút nào tự tin” bởi cô hiểu rằng, mỗi trẻ có một thế mạnh khác nhau và điều quan trọng là tìm ra cách để tiếp cận với từng trẻ.

Mình ước các bà mẹ đừng can thiệp quá sâu vào công việc của nhà trường. Đừng đòi hỏi, con mình phải được “hơn”: quan tâm hơn, yêu thương hơn, ưu ái hơn. Những đòi hỏi của phụ huynh vô tình làm ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.

Mình ước các bà mẹ đừng mong một tập thể lớp tuyệt vời để gửi con vào đó và con mình sẽ “trơn tru, láng mịn”. Đôi khi chính sự va chạm, sự tiếp xúc với những điều khác biệt làm cho con nhanh chóng trưởng thành".

Nguồn: Gia đình Việt Nam